Đặc tính phản xạ vật thể lạ của cá
Gần đây khi một con cá voi Beluga bị phát hiện đang đeo thiết bị lạ, một số phỏng đoán còn cho rằng nó đã được quân đội Nga huấn luyện để làm phương tiện gián điệp. Không còn đồn đoán gì nữa. Kể từ thập niên 1960, Hải quân Hoa Kỳ đã huấn luyện cá heo để dò mìn và giúp giải cứu những quân nhân hải quân bị thất lạc. Nga cũng không chịu kém cạnh.
Trong nhiều năm qua, cá mập, chuột bọ và chim bồ câu cũng nằm trong các danh sách thiết bị nghe lén, những kết quả thu được lại khá sửng sốt. Dự án mới nhất của Cơ quan chỉ đạo các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) nhắm mục tiêu cải thiện tình báo quân sự bằng cách sử dụng các sinh vật dưới nước – từ những loài cá lớn đến những loài động vật đơn bào khiêm tốn cũng như các hệ thống cảnh báo dưới nước.
Tiến sĩ (TS) Lori Adornato, giám đốc chương trình Dự án các cảm biến sống dưới nước (PALS) phát biểu: “Chúng tôi đang cố gắng hiểu làm cách nào mà những sinh vật này có thể nói cho chúng tôi hay về sự hiện diện và các chuyển động của tất cả các thiết bị dưới nước”.
|
Khi có vật lạ tới gần, loài cá mú khổng lồ sẽ phát ra âm thanh ngụ ý đe dọa. |
Những sinh vật sống tương tác rất khác nhau đối với sự hiện diện của các xe cộ dưới biển. Một trong những điều quan trọng nhất là hiện tượng phát quang sinh học dưới nước – một số sinh vật biển phát ra ánh sáng khi bị quấy rầy. Đây chính là một trong những trọng tâm nghiên cứu của DARPA.
TS Adornato giải thích: “Nếu quý vị có một loài sinh vật như tảo giáp hiện diện trên mặt biển và nếu có một phương tiện dưới nước hoạt động gần mặt biển thì quý vị sẽ nhìn thấy nó do tảo giáp phát sáng”. Nhưng, nhóm nghiên cứu ở DARPA đang hy vọng sẽ có một bức tranh chi tiết hơn về chuyển động của các loại tàu ngầm và máy bay không người lái hoạt động dưới nước.
|
Khi bị quấy rầy, một số sinh vật biển sẽ tự động phát sáng. |
Ông Vern Boyle, phó chủ tịch các chương trình tiến bộ, các khả năng đang nổi hợp tác với Northrop Grumman, phát biểu: “Chúng tôi muốn tìm hiểu về sự khả thi để phân biệt cơ chế phản hồi của các sinh vật đối với các nhiễu loạn tự nhiên hoặc nhân tạo, hoặc một số thể loại đối tượng nhân tạo. Chúng tôi đang sử dụng các kỹ thuật xử lý tiên tiến bao gồm học máy nhằm phân tích các ký hiệu và xác định các tính năng phân biệt”.
Các nhóm nghiên cứu đang quan tâm đến một loạt các sinh vật và những hành vi. Lấy ví dụ như loài cá mú khổng lồ có thể đạt chiều dài thân tới 2,5m và chúng thường hay phát ra âm thanh ồn ã khi cánh thợ lặn bơi tới gần, cũng như thể hiện đặc điểm tò mò khi có vật lạ nào đó tiếp cận nơi sống của chúng.
Nhà điều tra chính của Đại học Floria Atlantic, ông Laurent Chérubin giải thích: “Các công nghệ giám sát và trinh sát dưới biển không xâm lấn của chúng tôi sẽ được tích hợp tinh tế vào môi trường sống của loài cá mú khổng lồ. Một phản ứng âm thanh của loài cá mú sẽ giúp cảnh báo giới chức về sự hiện diện của một mối đe dọa tiềm tàng hay kẻ xâm nhập, hoặc một vật thể đáng ngờ hay đặt trong một nơi không tương tích với cảnh quan âm thanh và hình ảnh thông thường”.
Bà Alison Laferriere, đối tác dự án của Raytheon BBN Technologies, giải thích: “Những yếu tố của dự án có bao gồm việc giám sát thứ gọi là môi trường. Nhiều loài cá thường phát ra âm thanh để giao tiếp hoặc để phản ứng với các mối đe dọa bên ngoài. Nếu có một loại xe cộ tiếp cận môi trường của chúng thì các loài cá sẽ thay đổi hành vi theo một số cách mà chúng ta có thể phát hiện được.
Chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn đầu của dự án. Gần đây chúng tôi đã tới quần đảo Virgin (Mỹ) nhằm thử một số phép đo về môi trường trong sự hiện diện của một cỗ xe hoặc không có cái phương tiện nào hiện diện, và bây giờ chúng tôi chỉ mới đang phân tích dữ liệu”.
Huấn luyện tôm do thám
Hành vi là một chỉ dấu quan trọng và những “kẻ xâm nhập dưới nước” hãy nên dè chừng. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu nhìn thấy cá vược lặn xuống đáy biển khi chúng nghe thấy một tiếng ồn. Liệu chúng có thể làm tương tự như vậy – trong một cách không thể dự đoán trước được – khi có phương tiện dưới nước tiến đến gần?
TS Helen Bailey, phó giáo sư nghiên cứu tại Trung tâm khoa học môi trường (Đại học Maryland) khẳng định: “Chúng tôi có linh tính rằng sẽ thấy được sự phản ứng đó, vấn đề là chúng tôi cần phải định lượng chính xác nó. Chúng tôi có thể cấy các thẻ cảm ứng độ sâu siêu nhỏ trên mình con cá để giúp phát hiện chuyển động, và đang có công nghệ để trở thành một hệ thống thời gian thực”.
Bà Helen Bailey cũng nói rằng không có lý do giải thích tại sao một đoàn quân cá vược đen lại không thể cung cấp một hệ thống cảnh báo đắt giá chống lại tàu ngầm địch.
Bà Bailey nhấn mạnh: “Quý vị phải so sánh hệ thống thiên nhiên với việc nhiều quốc gia chi khủng cho máy bay, tàu thủy, đầu thu sóng, thiết bị giám sát… nhưng tất cả máy móc kềnh càng này chỉ cho ra những bức ảnh nhỏ chụp nhanh, trong khi hệ thống “cảnh báo môi trường” lại có thể kéo dài hàng tháng”.
Bà Alison Laferriere tiết lộ: “Và có một cách khác, và có vẻ kỳ lạ đó là các sinh vật biển còn dùng để phát hiện ra sự hiện diện của các phương tiện dưới nước. Loài tôm bọ gõ được tìm thấy ở khắp các vùng nước biển nông trên khắp thế giới tại vĩ độ dưới 40 độ, thường liên tục chụm các móng vuốt lại với nhau nhằm tạo ra một tín hiệu âm thanh không ngừng để đối phó với các vật thể xung quanh.
Như với các hệ thống âm truyền thông thường, việc đo thời gian để lấy tín hiệu âm thanh quay trở lại cũng như độ dài của âm thanh sẽ có thể tiết lộ kích thước, hình dạng và khoảng cách của các vật thể lạ dưới nước."
Bà Alison Laferriere nhấn mạnh: “Khái niệm này không phụ thuộc vào sự thay đổi hành vi của con tôm theo bất kỳ cách nào khi các vật thể lạ tiến tới gần, nó chỉ sử dụng âm thanh mà nó tạo ra. Điều này cực kỳ quan trọng bởi vì quý vị sẽ không muốn hệ thống trinh sát của mình bị đối phương phát hiện hoặc nó phát ra tiếng ồn can thiệp vào các thiết bị cảm biến.
Đó là một hệ thống thụ động. Nó hoạt động công suất thấp nhưng có khả năng dò được những phương tiện máy móc hoạt động yên tĩnh nhất. Tại sao phải sử dụng nhiều điện năng để phát hiện các phương tiện dưới nước trong khi quý vị có trong tay cả một đàn tôm để làm điều đó?”.
Nhưng liệu những dự án này có khả thi không, hay chỉ là viễn cảnh mà các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm ngân sách tài trợ?
TS Thomas Cameron, giảng viên tại Trường khoa học sinh thái (Đại học Essex, Anh) chỉ rõ: “Đang có một sự thúc đẩy toàn cầu nhằm làm việc với các loài động vật để thực hiện các công tác viễn thám cả trong động vật sống hoang dã hay động vật nuôi trồng thủy sản. Khai thác hành vi của động vật nhằm cung cấp cho chúng ta các tín hiệu về môi trường quanh ta và chúng không quá mới đối với con người – chúng ta đã dùng chim hoàng yến để dò mìn kết hợp với chó nghiệp vụ.
Điểm độc đáo trong chương trình này là tập trung vào các loài động vật sống hoang dã, và thúc đẩy cách chúng ta học về hình thức giao tiếp tín hiệu trong môi trường sinh thái bằng cách tập trung vào âm thanh, hình ảnh và hành vi chuyển động. Vương quốc động thực vật có thể là một phần trong cuộc cách mạng dữ liệu lớn của nhân loại”.
Theo Nguyễn Thanh Hải/CAND