|
Nhà sáng lập kiêm CEO Facebook, ông Mark Zuckerberg. Ảnh: Reuters. |
Theo hãng tin Bloomberg, Facebook cho biết đã loại bỏ một tính năng cho phép người dùng nhập số điện thoại hoặc địa chỉ email vào thanh công cụ tìm kiếm trên Facebook để tìm kiếm người dùng khác. Facebook nói tính năng này đã bị những kẻ xấu lợi dụng để thu thập thông tin người dùng trên hồ sơ cá nhân công khai của họ.
"Xét đến quy mô và mức độ tinh vi của những hoạt động mà chúng tôi chứng kiến, chúng tôi tin rằng hầu hết mọi người trên Facebook có thể đã bị xâm phạm hồ sơ cá nhân theo cách này", Facebook nói. "Bởi vậy, chúng tôi giờ đã xóa bỏ tính năng này".
Facebook cũng cho biết dữ liệu của khoảng 87 triệu người dùng, hầu hết tại Mỹ, có thể đã rơi vào tay công ty nghiên cứu Cambridge Analytica. Đây là lần đầu tiên Facebook xác nhận chính thức về quy mô của vụ rò rỉ dữ liệu, và con số này lớn hơn nhiều so với con số ước tính khoảng 50 triệu người dùng bị xâm phạm dữ liệu như đưa ra ban đầu.
"Chúng tôi đã không có một cái nhìn đủ lớn về trách nhiệm của mình, và đó là một sai lầm lớn. Đó là lỗi của tôi", Giám đốc điều hành - CEO Mark Zuckerberg của Facebook nói trong một cuộc điện đàm với các nhà báo. "Chúng tôi đang mở rộng tầm nhìn về trách nhiệm của mình".
Ông Zuckerberg bảo vệ mô hình kinh doanh quảng cáo của Facebook và khẳng định mong muốn tiếp tục giữ cương vị nhà điều hành công ty. Nhà sáng lập Facebook cũng nói chiến dịch kêu gọi xóa tài khoảng mạng xã hội này của một số người dùng không có nhiều tác động.
Facebook cho biết sẽ báo tin với từng người dùng, thông qua một thông báo ở đầu bảng tin (news feeds) của họ bắt đầu từ ngày 9/4, về việc thông tin của họ có thể đã bị chia sẻ với Cambridge Analytica hay không.
Quốc hội Mỹ ngày 4/4 cho biết ông Zuckerberg sẽ ra điều trần trong hai ngày 9-10/4.
Cổ phiếu Facebook chỉ giảm giá hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, và có lúc tăng giá hơn 3% sau khi thị trường đóng cửa. Kể từ khi vụ bê bối Cambridge Analytica vỡ lở, cổ phiếu Facebook đã sụt giá hơn 16%.
Cambridge Analytica là một công ty tư vấn chính trị có trụ sở ở London, từng làm việc cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016 của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. Công ty này bị cho là từng dính líu đến những chiêu trò không trong sạch tại các cuộc bầu cử ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Việc Cambridge Analytica thu thập dữ liệu người dùng Facebook được cho là nhằm xác định khuynh hướng của cử tri Mỹ, theo đó tìm cách giúp ông Trump giành chiến thắng.
Theo Thăng Điệp/Vneconomy