Trước khi những người định cư châu Âu tới Bắc Mỹ, có hàng triệu con gà tây trên khắp khu vực mà ngày nay là 39 bang của Mỹ. Tuy nhiên, đến những năm 1930, gà tây đã biến mất tại ít nhất 20 bang và tổng số lượng gà tây giảm xuống chỉ còn 30.000 cá thể.
Vài thập kỷ tiếp theo, một loạt cải cách, những nỗ lực bảo tồn cùng sự thay đổi nhân khẩu học đã giúp đưa gà tây thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng. Điều này khiến gà tây giờ đây trở thành câu chuyện thành công nhất của động vật hoang dã ở Mỹ.
|
Tổng thống Trump xá tội cho gà tây hôm 26/11 tại Nhà Trắng. Ảnh: AP |
Số lượng gà tây bắt đầu giảm ở thế kỷ 17 khi những người đi khai hoang châu Âu săn bắt và thay đổi môi trường sống của chúng. Tới thời điểm Tổng thống Abraham Lincoln công bố Lễ Tạ ơn là một ngày lễ chính thức của Mỹ năm 1863, gà tây đã biến mất hoàn toàn khỏi các bang như Connecticut, Vermont, New York và Massachusetts.
Trong vòng 2 thập kỷ, chúng cũng biến mất khỏi các bang xa hơn về phía Tây như Kansas, South Dakota, Ohio, Nebraska và Wisconsin. Trong một ấn phẩm của tuần báo Harper năm 1884, một tác giả đã dự đoán gà tây sẽ sớm “tuyệt chủng như chim cu lười (dodo)”.
Gà tây không phải là loài bản địa duy nhất của Mỹ ở trong tình trạng nguy hiểm. Đến năm 1889, bò bison Mỹ cũng chỉ còn 541 cá thể. Đến những năm 1930, khi số lượng gà tây xuống mức thấp nhất, thì loài bồ câu viễn khách đã tuyệt chủng.
Cuộc khủng hoảng của nhiều chủng loài bản địa đã khơi dậy phong trào bảo tồn đời sống hoang dã, và dẫn điễn việc thông qua Đạo luật Pittman-Robertson năm 1937. Đạo luật này quy định tiền thuế thu được từ việc bán súng săn, đạn dùng trong săn bắn sẽ được chi trả cho những nỗ lực khôi phục đời sống hoang dã.
Năm 1930 cũng chứng kiến bước chuyển lớn trong dân số Mỹ và điều này lại có lợi cho gà tây một cách ngẫu nhiên. Cuộc Đại Suy thoái đã buộc nhiều gia đình phải từ bỏ nông trại. Các nông trại bị bỏ hoang đã trở thành môi trường tốt cho gà tây.
“Khi những nông trại bắt đầu trồng trở lại các loại cây cỏ tự nhiên của bản địa, môi trường sống của gà tây cũng được khôi phục”, theo website của Hiệp hội gà Tây liên bang.
E. Donnall Thomas Jr., tác giả của cuốn “Những người thích thể thao đã cứu thế giới: Nỗ lực bảo tồn chưa được thừa nhận của những người săn bắn và câu cá” nói rằng sự suy giảm các nông trại trồng bông đặc biệt giúp gà tây sinh sôi trở lại ở những bang như Texas.
Cha của Thomas, người từng giành giải Nobel năm 1990 (về sinh lý học và y khoa), nhớ lại rằng chẳng có gì ngoài gấu trúc (bắc Mỹ), các loài thú có túi và một số loài nhỏ để săn ở Mart, Texas những năm 1930. Nhưng khi trở lại vùng đất này những năm 1960, cha ông vô cùng ngạc nhiên khi thấy gà tây sinh sôi như thế nào.
“Khi ông lớn lên ở đó, các vùng đất đều được dùng để trồng bông. Bông là môi trường sống tồi tệ đối với động vật hoang dã – chẳng có gì ăn được, cũng chẳng thể cho chúng chỗ ẩn náu và ông rất chắc chắn rằng đó là lý do các loài như hươu nai, gà tây không thể ở đó những năm 1930. Khi chúng tôi trở lại, ở đó không còn trồng bông nữa”, Thomas cho biết.
Sự thay đổi những năm 1930 đã mang lại môi trường sống tốt cho gà tây. Tuy nhiên, số lượng của chúng vẫn chưa thực sự khôi phục cho đến những năm 1950, khi các nhà bảo tồn tìm ra biện pháp phù hợp đứa gà tây tới những vùng đất có môi trường sống phù hợp.
Thomas cho rằng một trong những lý do gà tây có thể sinh sôi ở Montana, bang mà ông sống, là vì sự thay đổi tập quán nuôi gia súc cũng diễn ra vào những năm 1930.
Trong kỳ này, các chủ trại nuôi gia súc bắt đẩu đưa bò vào các máng ăn trong nhà trong thời gian mùa đông. Sự thay đổi này nghe có vẻ chẳng liên quan gì đên gà tây, nhưng thực ra lại cung cấp cho chúng nguồn thức ăn đáng kể để sống sót trong mùa đông.
“Gà tây có thể ăn phân xanh của bò”, Thomas giải thích. “Chúng thích bới đống phân của bò để tìm các loại hạt hay ngũ cốc chưa tiêu hóa được, hay bất cứ thứ gì mà gia súc đã ăn... Trong mùa đông, khi tuyết rơi, chẳng có gì lạ khi thấy cả trăm con gà tây tập trung quanh các máng ăn nhỏ bên cạnh các khu nhà nuôi gia súc”.
Mặc dù nguồn thức ăn này là quan trọng nhất trong mùa đông, khi gia súc được tập trung lại một chỗ, nhưng thực tế, gà tây cũng ăn cả phân bò trong những mùa ấm hơn khi gia súc được chăn thả.
“Sẽ rất rất bình thường khi thấy trong mùa xuân, gà tây cũng bới quanh phân bò. Sẽ chẳng có nguồn thức ăn này nếu không có gia súc ở đó”, Thomas nói./.
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)