Giá trị Di sản Địa chất Quốc tế của Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà

Google News

Diện mạo của Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà và các giá trị địa chất, địa mạo độc đáo và nổi tiếng như ngày nay là kết quả của quá trình vận động kiến tạo địa chất kéo dài hơn 500 triệu năm.

Vào ngày 25/8, PGS. TS. Trần Tân Văn - nguyên Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, cùng với 99 địa điểm khác của 53 quốc gia trên thế giới, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà đã được Liên hiệp Khoa học địa chất quốc tế (IUGS) công nhận là Di sản Địa chất Quốc tế.
PGS. TS. Trần Tân Văn là người đã tham gia và chủ trì 2 hồ sơ Di sản Thế giới liên quan đến các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, đồng thời trực tiếp chuẩn bị hồ sơ trình Liên hiệp Khoa học Địa chất quốc tế công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản Địa chất Quốc tế. Di sản được công nhận nhờ hai giá trị nổi bật toàn cầu về lịch sử địa chất và địa mạo karst.
Kiệt tác địa chất 500 triệu năm của tạo hóa
Theo PGS. TS. Trần Tân Văn, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là mẫu hình tuyệt vời về cảnh quan karst (cảnh quan hình thành chủ yếu từ sự hòa tan của nước trên mặt và nước ngầm đối với các loại đá có nhiều khe nứt, lỗ hổng, có thể hòa tan được như đá vôi, dolomit, cẩm thạch...) định hình trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm, gió mùa và quá khứ gần đây bị biển xâm lấn, làm biến cải và hiện nay vẫn đang ngập chìm trong nước biển.
Khu vực này bao gồm toàn bộ các giai đoạn của quá trình biển làm ngập chìm karst nhiệt đới cũng như có 3 loại hình hang động chủ yếu (hang hàm ếch biển cổ, hang nền karst cổ và hàm ếch).
Trong đó, Vịnh Hạ Long thể hiện các giai đoạn muộn hơn của quá trình biển ngập chìm, còn quần đảo Cát Bà bổ sung các giá trị địa chất quan trọng vào di sản thông qua các mẫu hình về các giai đoạn đất liền và liên triều.
Gia tri Di san Dia chat Quoc te cua Vinh Ha Long - Quan dao Cat Ba
Một góc vịnh Hạ Long. Ảnh: Lonely Planet.
Đá vôi ở Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà cùng với nhiều khu vực khác ở miền Bắc Việt Nam như: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Bình... được hình thành cũng trong môi trường biển nông và ấm, chủ yếu trong thời kỳ cách ngày nay khoảng 300 triệu năm.
Vịnh Hạ Long còn có sự đa dạng về các yếu tố địa hình như các đảo núi xen kẽ các vũng biển sâu, sự tương phản của rừng sú vẹt ven bờ và các đảo đá vôi có vách dựng đứng. Đây chính là loại hình thái địa hình cổ nhất còn quan sát được ở Việt Nam.
Ở phần lục địa và các đảo, địa hình xâm thực bào mòn thể hiện ở các đồi núi lục nguyên, núi và đảo đá vôi, ở các hang động thuộc các tầng khác nhau. Còn ở đáy Vịnh, đáng quan tâm là các nhánh sông cổ, các khối karst sót lại và đặc biệt là cánh đồng karst ngập chìm.
Ngoài ra, với sự đa dạng về quá trình hình thành và hình thái của hệ thống hang động và đảo đá, Vịnh Hạ Long có 2 loại hang: Hang cổ và hang trẻ. Quá trình hình thành hệ thống hang trẻ liên quan đến sự chuyển dời từng phần các “dăm kết hang động” lấp đầy các hang cổ (như hang hồ Động Tiên), còn sự bào mòn liên tục của nước biển trên địa hình bán bình nguyên karst cổ đã tạo nên các đảo đá vôi hình cột và các đảo có hình thù kỳ dị khác như ngày nay.
Diện mạo của khu vực Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà và các giá trị địa chất, địa mạo độc đáo và nổi tiếng như ngày nay là kết quả của quá trình vận động kiến tạo địa chất khu vực kéo dài hơn 500 triệu năm. Đó cũng chính là lý do UNESCO đã ba lần công nhận Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới.
Ngày hội lớn của các kỳ quan địa chất thế giới
Dự kiến, Liên hiệp Khoa học Địa chất quốc tế sẽ công bố danh sách 100 Di sản Địa chất Quốc tế, trong đó có Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà của Việt Nam, tại Đại hội Địa chất quốc tế (IGC) lần thứ 37 diễn ra từ ngày 25-31/8/2024 tại Busan (Hàn Quốc).
Chủ đề của Đại hội này là "Những nhà du hành vĩ đại: Hành trình đến Trái đất Thống nhất" ("The Great Travelers: Voyages to the Unifying Earth").
Theo các nhà tổ chức Đại hội, cụm từ "Những nhà du hành vĩ đại" phản ánh niềm đam mê, cảm hứng và nỗ lực của các nhà địa chất trong quá khứ, hiện tại và tương lai nhằm khám phá nguồn gốc, sự tương tác và quá trình tiến hóa của các hệ thống Trái đất. Cụm từ này nhấn mạnh đến các chuyên gia có mặt tại IGC 2024 Busan, những người sẽ thúc đẩy kiến thức hiện có của loài người về các quá trình vật lý và hóa học của bề mặt và bên trong Trái đất, cũng như các thiên thể khác.
Gia tri Di san Dia chat Quoc te cua Vinh Ha Long - Quan dao Cat Ba-Hinh-2
Cảnh quan ở quần đảo Cát Bà. Ảnh: Hai Phong Portal.
Cụm từ "Trái đất Thống nhất" đề cập đến các thí nghiệm, hoạt động giám sát, quan sát và nỗ lực xây dựng lý thuyết nhằm khám phá bản chất cơ bản và sự tương tác của khí quyển, thủy quyển, sinh quyển và địa quyển bao phủ Trái đất trong từ lịch sử ban đầu của hành tinh cho đến hiện tại. Những nỗ lực như vậy góp phần tiết lộ các dấu hiệu ẩn giấu của con đường tiến hóa của các hệ thống Trái đất. Khi chúng ta đang đứng trong một kỷ nguyên mà hệ sinh thái toàn cầu chịu những ảnh hưởng không thể đảo ngược bởi các hoạt động của con người, các cuộc thảo luận tích cực, khám phá, phát hiện chính và phát triển kiến thức trong IGC 2024 Busan sẽ hỗ trợ chúng ta dự đoán tốt hơn và giải quyết các thay đổi môi trường toàn cầu do con người gây ra, các mối nguy hiểm tự nhiên và các thay đổi về tài nguyên và hệ sinh thái trên cạn và dưới biển.
Đặc biệt, IGC 2024 Busan sẽ góp phần thiết lập mạng lưới toàn cầu về "Địa chất điện tử", chẳng hạn như "Chương trình thực địa ảo" kết nối các địa điểm địa chất quan trọng thông qua internet. Quyền truy cập thông tin có liên quan về các địa điểm địa chất quan trọng sẽ có sẵn trực tuyến. Điều này sẽ dẫn đến một sự phát triển mới trong tương lai của giáo dục khoa học địa chất.
Kết hợp các yếu tố độc đáo của bối cảnh địa chất Đông Á và những tiến bộ trong công nghệ điện tử và internet tại Hàn Quốc, Busan IGC 2024 mang đến một sân khấu thú vị, nơi các nhà địa chất từ khắp nơi trên thế giới có thể tôn vinh những khám phá địa chất mới và những đột phá khoa học với sự hỗ trợ của một trong những cơ sở hạ tầng dựa trên web tốt nhất thế giới. Phạm vi của chương trình khoa học bao gồm nhiều chủ đề rộng, bao gồm khoáng vật học, địa chất tài nguyên và địa chất kinh tế, địa chất cấu trúc, lịch sử khoa học địa chất, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong khoa học địa chất.
Năm 1994, Vịnh Hạ Long đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới với giá trị nổi bật toàn cầu về thẩm mỹ.
Năm 2000, Vịnh Hạ Long lại được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần thứ hai với giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo.
Ngày 16/9/2023, tại Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thiên nhiên Thế giới, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới liên tỉnh-thành phố đầu tiên ở Việt Nam.
Việc Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được Liên hiệp Khoa học Địa chất quốc tế công nhận là Di sản Địa chất Quốc tế thêm một lần nữa khẳng định giá trị của Di sản có tầm vóc toàn cầu này.

Thanh Bình