Trong 60 triệu năm, loài chim voi khổng lồ với tên khoa học Aepyornis maximus sống ở vùng xavan và rừng mưa Madagascar, châu Phi, cho đến khi bị săn bắn đến tuyệt chủng cách đây khoảng 1.000 năm. Vào thế kỷ 19, giới động vật học châu Âu ám ảnh về loài vật này thậm chí đã trộm xương và trứng hóa thạch để chứng minh họ phát hiện được loài chim lớn nhất thế giới.
Nghiên cứu do các nhà khoa học Anh công bố trên chuyên san Royal Society Open Science hôm 26/9 cho thấy loài chim voi đó lớn hơn những gì từng được nghĩ.
“Chúng cao hơn con người và chắc chắn không thể bay vì chúng không đỡ được sức nặng của mình”, AFP dẫn lời James Hansford, tác giả dẫn đầu nghiên cứu thuộc Hội Động vật học London.
|
Cuộc tranh cãi về loài chim lớn nhất thế giới đã được giải quyết nhờ nghiên cứu của Hội Động vật học London. Ảnh: AFP. |
Ông Hansford nghiên cứu xương của chim voi được tìm thấy trên khắp thế giới và đưa số liệu vào thuật toán máy tính để tạo ra kích cỡ ước tính của loài động vật này. Mẫu vật trong nghiên cứu nặng khoảng 860 kg, tức bằng một con hươu cao cổ trưởng thành.
Đến nay, con chim voi lớn nhất, Aepyornis titan, được nhà khoa học người Anh C.W. Andrews mô tả vào năm 1894. Đây là phân loài lớn hơn Aepyornis maximus. Tuy nhiên, nhà khoa học Pháp cạnh tranh với ông Andrews bác bỏ phát hiện này, cho rằng titan chỉ là một con maximus quá khổ. Trong hàng chục năm sau đó, cuộc tranh luận rơi vào bế tắc.
Theo ông Hansford, nghiên cứu mới nhất chứng minh titan thực sự là một loài sinh vật khác. Ông phát hiện rằng xương của chúng khác hẳn với những mẫu vật khác và titan thực chất là một giống tách biệt hoàn toàn.
|
Chim voi sống ở đồng cỏ xavan Madagascar cho đến khi bị săn bắn và tuyệt chủng. Ảnh: AFP. |
Được đặt tên là Vorombe titan, nghĩa là “chim lớn” trong tiếng Madagascar, loài vật này có thể cao ít nhất 3 m và nặng trung bình 650 kg, đồng nghĩa với việc chúng là loài chim lớn nhất từng được phát hiện.
“Khúc xương chúng tôi tìm thấy đã mở rộng giới hạn hiểu biết của chúng ta hiện nay về kích thước của loài chim”, ông Hansford nói, nhắc tới bản mẫu nặng 860 kg.
“Trước đây cũng đã có một số mẫu khác. Vậy nên, đó không phải ngoại lệ mà chứng tỏ cân nặng của chúng có sự đa dạng”, ông nhận định.
Các loài chim ngày nay như kiwi, đà điểu Australia và đà điểu châu Phi đều nằm trong cùng họ chim không biết bay với chim voi và chim moa đã tuyệt chủng tại New Zealand.
Trứng của chim voi được bán với giá cao tại các buổi đấu giá và từng được nhắc đến trong tiểu thuyết Đảo Aepyornis của nhà văn H.G. Wells.
Theo Ngọc Hà/Zing News