Giờ đây, các nhà nghiên cứu tuyên bố đã tìm ra tổ tiên di truyền của Cái chết Đen, và nó vẫn còn lây bệnh cho hàng ngàn người mỗi năm. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature tháng trước (tháng 6/2022) đã đưa ra các bằng chứng sinh học xác định vị trí của Cái chết Đen là ở Trung Á, Kurgyzstan ngày nay.
Ngoài ra, chủng dịch hạch di truyền từ khi vực này "đã làm nảy sinh phần lớn các chủng [dịch hạch hiện đại] lây lan trong thế giới hôm nay", nhà sử học Phil Slavin ở đại học Stirling (Scotland), đồng tác giả nghiên cứu cho biết trên NPR.
Như nhiều bí ẩn khác, việc giải đáp bí ẩn này không dễ dàng chút nào.
Những đầu mối cũ
Cái chết Đen là một trong nhiều chủng bệnh dịch hạch. Dịch bệnh được đặt cho cái tên đáng sợ này vì những người mắc bệnh sẽ bị lở loét toàn bộ cơ thể, các vết loét sẽ thâm đen và gây hoại tử. Căn bệnh này đặc trưng bởi bệnh cúm và sưng các hạch bạch huyết. Nguyên nhân của bệnh là do vi khuẩn Yersinia pestis lây lan qua chuột cống mang trên mình bọ chét gây bệnh.
Trong quá khứ, một chủng bệnh dịch hạch đơn lẻ đã phát triển thành 4 chủng khác nhau. Một trong những chủng này đã gây ra Cái chết Đen. Các nhà nghiên cứu cho biết, chỉ mỗi khía cạnh dịch bệnh xảy ra khi nào và ở đâu cũng đã là một bí ẩn.
Từ lâu, các nhà nghiên cứu bệnh dịch hạch toàn thế giới đã nghi ngờ sự tiến hóa của vi khuẩn Yersinia pestis có thể đã xảy ra ở dãy núi Thiên Sơn gần thung lũng Chuy (từ gốc theo tiếng Kyrgyz là Chüy) ở biên giới phía Bắc Kyrgyzstan. Khu vực này nằm trên Con đường Tơ lụa, tuyến đường thương mại thông thương từ Trung Quốc và Trung Á sang Tây Âu nổi tiếng thời trung cổ.
Quang cảnh núi Thiên Sơn ở miền Bắc Kyrgyzstan, nơi được các nhà khoa học cho là nguồn gốc phát sinh thảm họa dịch bệnh Cái chết Đen (Ảnh: Reuters)
Đầu mối này được các nhà nghiên cứu tìm ra vào năm 1885, khi phát hiện hai nghĩa trang trong khu vực có số bia mộ khắc ngày mất từ 1338 đến 1339 cao bất thường. 1338-1339 là khoảng 8 năm trước khi dịch bệnh Cái chết Đen bắt đầu ở châu Âu.
Những bia mộ này cũng đề cập đến nguyên nhân chết là mawtānā, một từ tiếng Syriac có nghĩa là bệnh dịch hạch. Đó là một dấu hiệu cho thấy có thể dịch bệnh đã quét qua khu vực này, và cũng là động lực để Slavin và các cộng sự đào sâu hơn. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng, dù bằng chứng các bia mộ khá thuyết phục nhưng chúng vẫn không đủ để chứng minh rằng người dân ở đó thật sự chết vì căn bệnh dịch hạch. Nhà sử học Slavin và nhóm nghiên cứu cần đến bằng chứng di truyền.
Theo dõi chủng bệnh
Công việc kế tiếp của các nhà khoa học là xem xét chủng dịch hạch ở thung lũng Chuy liên quan chặt chẽ như thế nào với Cái chết Đen và các chủng dịch hạch khác.
Để thực hiện nhiệm vụ này, nhóm đã giải trình tự DNA của chủng gây bệnh dịch hạch hiện đại (từ sóc đất và các loài gặm nhấm khác ở Trung Á) và các chủng gây bệnh dịch hạch trong lịch sử như Cái chết Đen (từ các nghiên cứu đã công bố trước đây). Các nhà khoa học đã sử dụng các trình tự này để tạo ra một cây tiến hóa phản ánh mối quan hệ giữa các chủng bệnh dịch hạch và so sánh với chủng bệnh thung lũng Chuy.
Cây tiến hóa này tiết lộ rằng, chủng ở thung lũng Chuy chỉ khác với chủng gây ra Cái chết Đen ở hai đột biến gen. Chủng ở thung lũng Chuy già hơn Cái chết Đen nên các nhà nghiên cứu kết luận rằng Cái chết Đen đã phát triển từ thung lũng Chuy. Ngoài ra, cây tiến hóa cũng tiết lộ rằng chủng bệnh dịch hạch thung lũng Chuy là tổ tiên của hầu hết chủng bệnh dịch hạch trên thế giới. Từ "ông tổ" dịch hạch này, bệnh dịch hạch đã phát triển thành 4 chủng chính và sự kiện này được các nhà nghiên cứu gọi là "Big Bang". Cho tới nay, các nhà khoa học vẫn không rõ "Big Bang" có nguồn gốc từ đâu và khi nào. Nhưng giờ đây, họ đã có bằng chứng là nó có thể xuất phát từ thung lũng Chuy và các khu vực xung quanh.
Có phải tất cả những điều này có nghĩa là bí ẩn về nguồn gốc Cái chết Đen đã được giải mã?
Một nhà khoa học không tham gia nghiên cứu này, Hendrik Poinar, nhà di truyền học tiến hóa, giám đốc trung tâm DNA cổ thuộc đại học McMaster ở Ontario (Canada), cho biết ông sẽ rất thận trọng khi đưa vấn đề đi xa như vậy. "Xác định ngày và địa điểm cụ thể trong tức thời là không chính xác".
Ông lý giải, vi khuẩn Yersinia pestis tiến hóa rất chậm, mỗi 5 đến 10 năm mới có 1 đột biến. Vì vậy, có thể là chủng bệnh ở thung lũng Chuy đến từ một phần khác của khu vực.
Ngoài ra, người dân ở thung lũng Chuy là các thương nhân di chuyển khắp Trung Á và châu Âu. Có thể là họ đã mắc bệnh trong những chuyến du lịch tới Tây Âu. Bởi vì chủng bệnh này chậm biến đổi, chủng bệnh ở Tây Âu giống hệt với chủng bệnh ở thung lũng Chuy về mặt di truyền nên khó mà nói được nó đến từ đâu và khi nào.
Dù vậy, Poinar vẫn cho rằng công trình này quan trọng trong việc hiểu rõ lịch sử sớm của Cái chết Đen vì nó giúp chúng ta trả lời những câu hỏi mà các nhà nghiên cứu bệnh dịch hạch đã mất nhiều năm để tìm ra. Giờ đây, chúng ta biết rằng, "bệnh dịch hạch đã có ở địa điểm đó 10 năm trước khi các chủng bệnh hoành hành ở Tây Âu, và tôi nghĩ rằng, đó là một phần quan trọng của câu đố về bệnh dịch hạch".
Theo PV/Báo Tổ quốc