Theo Ancient Origins, xác ướp được đề cập là thi hài bà Anna Catharina Bischoff, qua đời ở Basel - Thụy Sĩ năm 1787. Bà được phát hiện sau đó gần 2 thế kỷ, bởi các công nhân khai quật ở nhà thờ có từ thời trung cổ Barfusser.
Ngôi mộ gây nhiều tò mò bởi đó là một căn phòng chôn cất bằng tường gạch ẩn ngay trước khi vực dành cho dàn hợp xướng của nhà thờ. Có hai quan tài bên trong hầm mộ, trong đó người phụ nữ nằm bên trong chiếc quan tài bằng gỗ vân sam đơn giản, nhưng tình trạng bảo quản tốt đến nỗi móng tay và tóc của bà cũng còn nguyên vẹn.
Các móng tay nguyên vẹn của cụ bà cho thấy độ bảo quản cực tốt của xác ướp - Ảnh: ANCIENT ORIGINS
Một nghiên cứu năm 2018 của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Basel đã nghiên cứu DNA của xác ướp và xác định danh tính xác ướp, cũng như cho thấy bà là tổ tiên lâu đời của cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Khu vực chôn cất đặc biệt trong hầm mộ bên dưới nhà thờ cổ vốn được dành riêng cho các gia đình giàu có ở Basel thế kỷ 18.
Kết quả một phân tích vào năm 1976 cho rằng người phụ nữ 68 tuổi này chết vì bệnh giang mai, do sự hiện diện của hóa chất thủy ngân sunfua trong phổi, là thứ từng được dùng để trị giang mai. Thứ chất độc này khiến bà chết, nhưng cũng ngăn thi hài bị phân hủy. Góp phần với điều kiện đặc biệt kín của chiếc quan tài và hầm mộ, bà trở thành xác ướp một cách tự nhiên.
Khu vực chôn cất bất thường bên trong nhà thờ - Ảnh: ANCIENT ORIGINS
Bây giờ, một nghiên cứu mới dẫn đầu bởi nhà vi trùng học Mohamed Sarhan từ Eurac Research (một viện nghiên cứu ở Ý) cho thấy chẩn đoán ban đầu là sai lầm.
Họ đã phân tích mô não của bà Bischoff và tìm thấy "một mầm bệnh chưa biết", có chứa các gien được tìm thấy ở một loại vi khuẩn hiện đại gây tổn thương xương và các triệu chứng ở phổi. Dòng vi khuẩn này cũng liên quan đến xoắn khuẩn giang mai, triệu chứng biểu hiện cũng nhiều điểm giống, nhưng không phải.
Theo các tác giả, phát hiện này có nhiều ý nghĩa lớn. Một là giải oan cho người đàn bà quý tộc này, người được cho là con của một mục sư, sau đó kết hôn với một mục sư và cuộc hôn nhân 40 năm giúp bà có 7 người con. Việc bà bị nghi ngờ chết vì một căn bệnh lây lan qua đường tình dục gây tranh cãi lớn.
Thứ hai, phát hiện mầm bệnh chưa từng biết này còn có thể mở đường cho nhiều kiến thức quan trọng trong việc phát triển các phương pháp điều trị và phòng ngừa bệnh truyền nhiễm mới, thông qua hiểu biết rõ ràng hơn về lịch sử tiến hóa và lây lan của các mầm bệnh cổ xưa.
Theo Anh Thư/Người lao động