Các nhà khoa học Mỹ vừa làm nên một kỳ tích lớn. Bằng cách huấn luyện một nhóm ốc sên phản xạ tự vệ mỗi khi có một cú gõ nhẹ lên vỏ và cho chúng bị giật bằng một dòng điện nhẹ, mỗi khi họ gõ lên vỏ của lũ ốc sên này, chúng sẽ tự động co lại vào trong vỏ trong 50 giây. Một nhóm ốc sên thứ 2 không bị điện giật, và chỉ rút vào vỏ trong 1 giây khi bị gõ.
Sau đó, họ tiêm một lượng acid ribonucleic (RNA) từ tế bào của những con ốc sên đã được huấn luyện trong nhóm thứ nhất cho những con trong nhóm thứ hai. Kể từ lúc này, toàn bộ ốc sên trong nhóm thứ hai sẽ lập tức rút vào vỏ trong 50 giây mỗi khi các nhà khoa học gõ vào vỏ của chúng.
Họ cũng thử tiêm RNA từ một nhóm ốc sên không được huấn luyện sang một nhóm không được huấn luyện khác để đảm bảo rằng thứ kích thích phản xạ tự vệ này không phải là việc bị tiêm.
Với phát hiện này, giáo sư David Glanzman, một trong những đồng tác giả của nghiên cứu nói rằng họ đã chuyển trí nhớ từ con ốc này sang con ốc khác.
|
Loài sên biển được dùng trong nghiên cứu. |
Trước đây, người ta cho rằng những trí nhớ lâu dài được lưu trữ trong các liên kết của các neuron, mỗi neuron có hàng ngàn liên kết như vậy. Nhưng theo giáo sư Glanzman, nếu trí nhớ được chứa ở đó, việc tiêm RNA của họ sẽ không những tác dụng đã được ghi nhận. Theo ông, RNA có vai trò quan trọng trong việc lưu trữ trí nhớ.
Phát hiện này có thể sẽ là một bước tiến lớn trong nghiên cứu về bộ não của con người, và có thể sẽ giúp giải quyết những chứng bệnh như Alzheimer hay hội chứng PTSD. Theo các nhà nghiên cứu, các tế bào và tiến trình hoạt động của thần kinh loài ốc sên này khá giống với con người, mặc dù chúng chỉ có khoảng 20.000 tế bào trong hệ thần kinh trung tâm, còn con người có đến hơn 100 tỉ.
Theo Thế giới trẻ