GS.VS Trần Đình Long: Mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận khoa học và công nghệ

Google News

Trong các nhiệm vụ của VUSTA có công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức. Các nhà báo đã giúp VUSTA hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Mỗi nhà báo thực sự là một chiến sĩ trên mặt trận khoa học và công nghệ.

GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam - cho hay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là ngôi nhà chung của 3 nhà: Nhà khoa học, nhà báo, nhà quản trị. Đây là thuận lợi rất lớn, bởi cả 3 “nhà” này đều có mối quan hệ khăng khít, tương hỗ nhau, thúc đẩy sự phát triển vững mạnh.
GS.VS Tran Dinh Long:  Moi nha bao la mot chien si tren mat tran khoa hoc va cong nghe
 GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam - Ảnh: Trần Hải.
Vinh dự của nhà khoa học khi được thế giới ghi nhận
Vừa qua, nhân kỷ niệm 300 năm thành lập, Viện Hàn lâm khoa học Nga (RAS) đã vinh danh 100 nhà khoa học trên toàn thế giới. Trong số 6 nhà khoa học của Việt Nam được RAS vinh danh, 4 người thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Đó là GS.VS, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch đầu tiên của VUSTA (ông mất năm 1997); GS.VS Nguyễn Văn Hiệu từng là Phó Chủ tịch VUSTA, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam (ông mất năm 2022); GS.TSKH.VS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch VUSTA giai đoạn 2010 - 2020, hiện là Chủ tịch danh dự của VUSTA; GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam.
GS.VS Tran Dinh Long:  Moi nha bao la mot chien si tren mat tran khoa hoc va cong nghe-Hinh-2
 Lãnh đạo, cán bộ nhân viên VUSTA và đại biểu khách mời chúc mừng GS.VS Đặng Vũ Minh và GS.VS Trần Đình Long được Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS) vinh danh. Ảnh: VUSTA.
GS.VS.TSKH Trần Đình Long cho hay, hội đồng xét giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Nga rất khách quan. Ông hoàn toàn không biết việc xét này, vì không cần phải làm hồ sơ hay kê khai thành tích (giống như ở ta).
Tự nhận mình chỉ là “hạt cát” bé nhỏ so với những nhà khoa học tiền bối, nhưng với GS Trần Đình Long, đây là vinh dự, tự hào. Niềm vinh dự này không chỉ đối với cá nhân nhà khoa học, mà còn cho nền khoa học nước nhà, bởi được thế giới biết tới và ghi nhận.
GS Trần Đình Long cho hay, con người Việt Nam rất thông minh, năng động, sáng tạo. Nhiều nhà khoa học Việt Nam đã ghi danh trên bản đồ khoa học thế giới, đảm đương nhiều nhiệm vụ quan trọng. Những tên tuổi như GS Trần Đại Nghĩa, GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng… đã vượt ra khỏi biên giới đất nước, được thế giới nể trọng. Ngay từ thế hệ trẻ, chúng ta cũng đã không thiếu người giỏi, người tài. Điều đó có thể thấy qua thành tích tại các kỳ thi Olympic quốc tế…
“Vấn đề là làm sao để khoa học Việt Nam có thể vươn tầm thế giới, các nhà khoa học được phát huy tối đa sức sáng tạo, tài năng của mình, cống hiến cho đất nước”, GS Trần Đình Long nói.
Cần cơ chế để nhà khoa học “tự nuôi mình”
GS.VS Trần Đình Long cho hay, là nhà khoa học, khi ông làm quản lý ở lĩnh vực từng hoạt động chuyên môn, một lợi thế rất lớn là hiểu được tâm tư của mọi người, từ đó có sự thông cảm.
Chúng ta luôn coi khoa học là quốc sách, Nghị quyết của Đảng nêu rất rõ, nhưng thực thi thế nào lại là vấn đề. Thực tế, ở nhiều đơn vị, điều kiện để nhà khoa học làm việc có hạn chế, trong đó có sự cứng nhắc của cơ chế tài chính.
GS.VS Tran Dinh Long:  Moi nha bao la mot chien si tren mat tran khoa hoc va cong nghe-Hinh-3
 GS.VS Trần Đình Long (trái) và giống cỏ ngọt ST77 được công nhận giống Quốc gia năm 2019, mô hình tại Nam Định. Ảnh: NVCC.

Chẳng hạn, một người làm chủ nhiệm đề tài Nhà nước phải tiêu tốn tới 75% cho việc thanh toán chứng từ. Trong khi đó, các quy định của liên quan đều nêu rất rõ có thể khoán tới sản phẩm cuối cùng.
“Vẫn biết khó khăn chung, nhưng nếu có cơ chế để nhà khoa học phát huy tối đa sự sáng tạo của mình, sẽ rất tốt”, GS Trần Đình Long nói.
Ông ủng hộ quan điểm nhà khoa học không phải lúc nào cũng đòi hỏi Nhà nước tăng lương hay đầu tư, bởi ngân sách hạn hẹp. Cái “xin” ở đây, chính là cơ chế, chính sách, để nhà khoa học tự làm ra sản phẩm, rồi sản phẩm đó quay trở lại đầu tư cho khoa học.
Ví dụ, các viện như Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nên phân làm 2 loại, nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Với nghiên cứu cơ bản, Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí. Nhưng với nghiên cứu ứng dụng, Nhà nước cho cơ chế tự chủ toàn diện, chứ không phải sự “nửa vời” như nhiều người vẫn nói vui.
GS.VS Tran Dinh Long:  Moi nha bao la mot chien si tren mat tran khoa hoc va cong nghe-Hinh-4
 GS.VS Trần Đình Long kiểm tra giống cỏ ngọt ST77 tại Nam Định. Ảnh: NVCC.
Chẳng hạn, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm có khoảng hơn 400 ha đất. Nếu được tự chủ về đất đai, liên doanh với các tập đoàn, có thể tạo ra những sản phẩm sinh lời rất lớn. Từ đó, quay trở về đầu tư phục vụ cho nghiên cứu, tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát triển.
Hoặc Viện Di truyền Nông nghiệp có phòng thí nghiệm trọng điểm với thiết bị được đầu tư giá trị từ 1-2 triệu USD. Nhưng là cơ quan của Nhà nước, không có đề tài, thiết bị tốt cũng “đắp chiếu”. Trong khi doanh nghiệp lại rất cần máy móc công nghệ cao như để chọn tạo giống… Nếu có sự liên doanh, liên kết với tập đoàn để sử dụng được phòng thí nghiệm trọng điểm ấy, hiệu quả đem lại sẽ rất lớn.
“Đây là liên doanh, liên kết, không làm mất tài sản của Nhà nước, không trái Luật Đầu tư công. Đây chỉ là tạo cơ chế cho tự chủ một cách triệt để, từ đó có được hiệu quả cao nhất”, GS Trần Đình Long nói.
Mỗi nhà báo cũng là chiến sĩ
GS.VS Trần Đình Long cho hay, sự phát triển của khoa học và công nghệ cũng không tách rời báo chí, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học.
Tiền thân của Liên hiệp Hội Việt Nam là Hội Phổ biến Kiến thức Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (được thành lập năm 1953). Ngay cái tên đã cho thấy công tác phổ biến kiến thức rất được coi trọng. Tờ báo đầu tiên của Liên hiệp Hội Việt Nam là Khoa học Thường thức, sau đổi thành Khoa học và Đời sống, được bạn đọc tin cậy, yêu mến.
GS.VS Tran Dinh Long:  Moi nha bao la mot chien si tren mat tran khoa hoc va cong nghe-Hinh-5
 PV Báo Tri thức và Cuộc sống thăm mô hình pin năng lượng mặt trời được lắp trên mái nhà xưởng của một doanh nghiệp sản xuất bao bì ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, Bến Lức, Long An.

Trong các nhiệm vụ của Liên hiệp Hội Việt Nam, có nhiệm vụ tập hợp đội ngũ trí thức, phổ biến kiến thức đến Nhân dân hàng ngày, giờ. Chẳng hạn, ở lĩnh vực nông nghiệp, phổ biến cho bà con thông tin về giống mới, cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Với sức khỏe, cập nhật tình hình dịch bệnh, cách phòng tránh… Đó là nhiệm vụ rất quan trọng. Thông tin chính xác, kịp thời được cập nhật rất có ý nghĩa với Nhân dân, cả trong đời sống và sản xuất.
GS Trần Đình Long cho hay, trước đây, ông chưa nghĩ báo chí là lực lượng quan trọng trong phát triển khoa học và công nghệ. Bây giờ, ông nhận ra vai trò quan trọng của báo chí không chỉ ở tuyên truyền, phổ biến kiến thức, mà còn đồng hành cùng nhà khoa học trong việc góp ý, phản biện chính sách.
Ông Long lấy ví dụ, trước khi xây dựng Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, báo chí đã thông tin, tuyên truyền kịp thời. Đây là đóng góp rất lớn của các nhà báo.
“Đặc biệt, VUSTA có một báo để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, có ý nghĩa rất lớn. Thực sự, mỗi nhà báo cũng là một chiến sĩ trên mặt trận phát triển khoa học và công nghệ. Tôi mong Tri thức và Cuộc sống sẽ kế thừa, giữ được thương hiệu của mình, tiếp tục đưa thông tin khoa học chính xác, hữu ích đến Nhân dân”, GS.TS Trần Đình Long bày tỏ.
GS.VS Trần Đình Long sinh năm 1941 ở Cẩm Khê, Phú Thọ. Ông là "cha đẻ" của 26 giống cây trồng mới, trong đó có 10 giống đậu tương, 6 giống lạc mới và 4 giống đậu xanh được công nhận là giống quốc gia.
Các giống này đã tăng thu nhập cho nông dân từ 15 - 20% so với giống cũ. Hai giống được cấp bằng bảo hộ quyền tác giả là Lạc L23 và Đậu tương ĐT26. Với ông, đó là niềm hạnh phúc nhất của một nhà khoa học, chứ không phải giải thưởng.
 
Mai Loan