Chó ngao Tây Tạng từng được xem là thú cưng thể hiện đẳng cấp ở Trung Quốc, có lúc được bán với giá khoảng 2 triệu USD/con.
Đến khi cơn sốt thời thượng qua đi, hàng nghìn con thuộc giống chó hung dữ này bị bỏ lại trên cao nguyên Tây Tạng. Chúng lây lan dịch bệnh và tấn công mọi thứ trên đường di chuyển.
Yin Hang, một chuyên gia bảo tồn loài báo ở tỉnh Thanh Hải, vào năm 2014 đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Gangri Neichog tại Tây Tạng để chăm sóc chó ngao bị bỏ hoang và các loại động vật khác trên vùng cao nguyên.
Cô quyết định hành động sau khi xem một đoạn video ghi lại cảnh báo tuyết bị vờn bởi bầy chó lớn để tranh giành thức ăn.
"Những chuyện như thế xảy ra rất nhiều gần các tu viện. Chó ngao hoang có tác động tiêu cực lên chuỗi thức ăn và động vật thuộc nhóm bị đe dọa", cô nói.
|
Chó ngao Tây Tạng từng là thú cưng thể hiện đẳng cấp tại Trung Quốc, với giá bán có lúc lên đến 2 triệu USD cho một con thuần chủng. Ảnh: SCMP.
|
Những con chó ngao hoang hiện nay là hậu duệ của giống chó lớn được lai giống bởi các bộ tộc du mục Trung Á và Tây Tạng. Chúng vốn dùng để chăn cừu và săn bắt nên có kích thước lớn, trung thành và rất hung dữ.
Theo Liu Mingyu, nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh, khu vực cao nguyên Tây Tạng đang có khoảng 160.000 con chó hoang. Trong đó, khoảng 97% thuộc giống chó ngao Tây Tạng.
Trong khi đó, báo tuyết trong vùng chỉ còn khoảng 2.000 con. Trong một báo cáo vào năm 2018, Liu khẳng định chó ngao hoang đang xuất hiện ở 17% môi trường sống của báo tuyết.
"Chó ngao Tây Tạng đã trở thành loài động vật đông nhất và sinh sôi nhanh nhất trong tất cả thú ăn thịt trên cao nguyên Tây Tạng. Chúng sống thành bầy và đe dọa đời sống hoang dã khi tranh giành thức ăn, không gian sinh tồn", ông nói.
|
Chó ngao bị bỏ hoang tại một trại cứu hộ động vật ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc. Ảnh: Getty.
|
Dân làng trong vùng đã nhiều lần nhìn thấy chó ngao Tây Tạng đuổi theo gấu, cáo hay cắn trộm gia cầm, cừu.
Chúng còn tấn công cả con người. Năm 2016, một bé gái 8 tuổi tại Thanh Hải bị một con thuộc giống này cắn chết. Nhà chức trách vùng tự trị Tây Tạng nói trung bình mỗi tháng có đến 180 trường hợp người bị thương bởi chó hoang.
Tình trạng hiện nay là do hàng nghìn con chó ngao đã bị các trung tâm nhân giống bỏ lại sau khi cơn sốt nuôi thú cưng độc lạ ở Trung Quốc chấm dứt. Cơn sốt này kéo dài từ thập niên 1990 đến cực đỉnh vào giữa thập niên 2010.
Từ mức 2 triệu USD/con, loại thú cưng này chỉ còn giá khoảng 1.500 USD. Theo CGTN, tính đến năm 2015, có đến 2.000/3.000 trung tâm nhân giống ở Tây Tạng đóng cửa vì giá mua chó ngao giảm mạnh.
Theo Zingnews