Thú chơi trăm năm
Trong hơn 700 năm qua, các nghệ nhân khéo tay ở Trung Quốc đã chạm khắc trên ngà voi. Kể từ đời nhà Thanh, ngà voi được xem là biểu tượng quyền lực và gắn với cuộc sống vương giả của những thành viên hoàng tộc. Những bộ bàn ghế, bộ ấm chén, bàn cờ tướng sẽ mang giá trị rất lớn nếu chủ nhân của nó sử dụng ngà voi.
“Nhiều tổ chức nói về việc cấm sử dụng, buôn bán ngà voi nhưng không ai dám đứng ra nói rằng “Trung Quốc cần cấm triệt để ngà voi””, Steve Blake, một nhà vận động của tổ chức Wild Aid, nói.
Chỉ trong 10 năm, hơn 600.000 con voi châu Phi đã bị giết để lấy ngà, phục vụ thú ăn chơi xa hoa tại Trung Quốc. Tuy nhiên, mọi chuyện đã được kiểm soát phần nào vào năm 1989 sau khi Công ước Quốc tế về Buôn bán Động vật hoang dã có hiệu lực.
|
Chiếc thuyền trảm trổ công phu từ ngà voi. |
Dù đã bị cấm tại Trung Quốc nhưng ngành công nghiệp chế biến ngà voi tại quốc gia châu Á này vẫn nở rộ. Lí do đơn giản là vì tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc ngày một nhiều và họ cần một sản phẩm xa xỉ để thể hiện đẳng cấp. Hiện nay, số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc lên tới 430 triệu người. Con số này sẽ lên hơn 700 triệu trong năm 2020. Số tỉ phú đô la cũng đã vượt Mỹ, mặc dù các tỉ phú Trung Quốc nắm giữ số tiền ít hơn.
Năm 2008, 4 nước châu Phi cho phép bán đấu giá ngà voi từ những con voi đã chết vì lí do tự nhiên. 12 doanh nhân Trung Quốc khi đó đã mua 62 tấn ngà voi với giá 144 USD/cân.
Năm 2007, Trung Quốc coi nghệ thuật chạm khắc ngà voi là “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Với người Trung Quốc, đây là một phần lịch sử văn hóa và là điều làm họ đặc biệt tự hào. Cũng vì nhu cầu rất lớn mà voi châu Phi bị săn bắn nhiều tới vậy.
Tại sao lại là ngà voi?
Kênh BBC của Anh từng làm một phóng sự rất công phu về thú chơi ngà voi của người Trung Quốc. Họ nói rằng, ngà voi đặc biệt được ưa chuộng vì màu trắng ngà và phù hợp khi chế tác đồ mỹ nghệ. Riêng năm 2015, hơn 3 vạn con voi châu Phi đã bị giết chết để lấy ngà, trung bình mỗi ngày gần 100 con.
Giới nhà giàu Trung Quốc tin rằng bất kì vật chế tác nào từ ngà voi trong nhà cũng mang lại may mắn, thành công. Ngoài ra, các đồ gỗ sử dụng ngà voi cũng giúp chủ nhân có “số má” hơn trong giới kinh doanh. 70% sản lượng ngà voi toàn cầu đều đổ về Trung Quốc.
Do tính chất văn hóa lâu đời cộng thêm nhu cầu rất cao của người dân khi nền kinh tế khởi sắc, ngà voi trở thành một phần “bất li thân” của người Trung Quốc. Tại đại lục, các hoạt động buôn bán ngà voi đã bị cấm một phần nhưng ở Hong Kong, nơi không chịu tác động của luật, ngà voi vẫn là thứ được bày bán công khai.
|
Nữ cảnh sát Trung Quốc bên cạnh các tác phẩm từ ngà voi. |
Theo Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã châu Phi, mỗi ngày có gần 100 con voi châu Phi bị giết hại. Hiện nay, toàn châu lục Đen chỉ còn 500.000 con so với số lượng gần 1,5 triệu con thập niên 1980.
Về lý thuyết, các cửa hàng tại Trung Quốc vẫn được phép kinh doanh ngà voi nhưng cần giấy phép đặc biệt. Tuy vậy, Quỹ Quốc tế về bảo vệ động vật khảo sát năm 2011 khẳng định hơn 100 cửa hàng tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Phúc Châu, Quảng Châu vẫn ngang nhiên bày bán mà không cần giấy phép. Phần lớn số ngà voi trong này là săn bắn trộm và gửi về Trung Quốc.
Một con đường vận chuyển ưa thích của dân Trung Quốc chính là những công nhân, Hoa kiều sinh sống tại châu Phi. Số lượng người Trung Quốc tới châu Phi đang gia tăng chóng mặt, nhất là khi nhiều công ty lớn tại Trung Quốc đầu tư vào đây. Hiện nay, có gần 1 triệu người Trung Quốc đang sinh sống, làm việc, thậm chí lập gia đình ở châu Phi. Đây là những người trực tiếp thực hiện việc buôn bán tại bản địa rồi gửi ngà voi về quê nhà nhằm kiếm lời.
Tờ New York Times của Mỹ nói rằng biện pháp duy nhất để ngăn chặn buôn bán các sản phẩm từ ngà voi ở Trung Quốc là cấm hoàn toàn. Chính quyền Bắc Kinh dù ra lệnh cấm nhưng vẫn cho phép một số lượng nhất định các cửa hàng được phép bày bán ngà voi.
Năm 2012, hơn 6 tấn ngà voi bị tiêu hủy tại Trung Quốc sau khi được phát hiện trong các vụ buôn lậu. Khu vực buôn bán ngà voi nổi tiếng mang tên Thiên Á tại Trung Quốc trở nên “sốt ngà voi” vì sự kiện này. Trái với quan điểm cho rằng thiêu hủy ngà voi sẽ khiến nhu cầu người dân Trung Quốc sụt giảm, giá trị của mặt hàng này tăng đột biến và khiến thêm nhiều con voi ở châu Phi bị giết hại.
Theo Quang Minh/ Dân Việt