Từ lâu, các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết về lõi trong lòng Trái Đất chính là một lõi rắn vô cùng vững chắc nhưng không có bằng chứng nào được đưa ra để chứng minh điều đó. Vì vậy, giả thuyết này vẫn luôn được coi như là "chén thánh" (báu vật ẩn chứa sức mạnh vô biên nhưng vẫn chưa ai được tận mắt nhìn thấy) trong Địa Chấn Học.
Tuy nhiên mới đây, giả thuyết này cuối cùng cũng đã đi đến kết luận sau một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Úc khi áp dụng một kỹ thuật đo đã được dùng trước đây để đo độ dày của băng Nam Cực vào việc tính toán những tần sóng địa chấn đặc biệt phát ra từ lõi Trái Đất. Phát hiện này đã được công bố tạp chí Science để giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự khởi đầu của Trái Đất.
|
Nhóm nghiên cứu đã dùng phương pháp đặc biệt để tìm ra câu trả lời cho "bí mật sâu thẳm nhất" của Trái Đất. |
Phó Giáo sư Hrvoje Tkalčić và Tiến sĩ Than Son Phạm từ Đại học Quốc gia Úc (ANU) đã nghiên cứu về những lớp sóng địa chấn này, hay còn gọi là "sóng J", trong lõi Trái Đất. Sóng J được tạo ra bởi những trận động đất và chỉ di chuyển được qua vật thể rắn. Nhưng thật không may, những tần sóng từ bên trong lõi Trái Đất là quá yếu và không thể nghiên cứu trực tiếp được. Vì vậy, các nhà khoa học đã tìm ra một phương pháp khác để "bắt" được những tần sóng ấy.
Để có kết quả, các nhà khoa học đã thu thập và đánh giá sự giống nhau giữa các tín hiệu nhận được tại các địa điểm khác nhau sau một trận động đất lớn. Phiên bản đầu tiên của phương pháp này được gọi là phương pháp sóng trường tương quan đã được sử dụng để đo độ dày của kệ băng ở Nam Cực.
Mỗi trận động đất đều phát ra những "tiếng vang" đặc biệt. Những tiếng vang ấy sau đó được đem so sánh với nhiều loại sóng địa chấn khác được phát hiện trước đó và điều này tạo ra "dấu vân tay" của Trái Đất. "Chúng tôi đang bỏ qua 3 giờ đầu tiên của sóng địa chấn và những gì chúng tôi đang xem xét là từ giờ thứ 3 đến giờ thứ 10 khi trận động đất lớn xảy ra," Tiến sĩ Tkalčic nói.
Lõi bên trong là nơi từ trường của Trái Đất được tạo ra và duy trì. Trường địa từ được coi như một "lá chắn" bao quanh Trái Đất để bảo vệ con người khỏi bức xạ từ vũ trụ mà chúng ta bắt buộc phải "nhận" nếu không thì sự sống cũng không thể tồn tại trên Trái Đất.
"Chúng tôi đã tìm ra lõi bên trong Trái Đất thực sự là một khối chất rắn, nhưng chúng tôi cũng thấy rằng nó mềm hơn so với những giả định trước đây", giáo sư Tkalčić giải thích.
"Nếu kết quả của chúng ta là chính xác, điều này sẽ chứng minh lõi trong cùng của Trái Đất cũng có một số tính chất đàn hồi tương tự như vàng và bạch kim. Lõi trong này giống như một bộ lưu trữ thời gian, và nếu chúng ta hiểu về nó, chúng ta sẽ biết được Trái Đất được hình thành và phát triển như thế nào".
Theo Phương Thảo/VietQ