Học sinh dùng điện thoại trong lớp: “Tạo dựng” bộ phận học sinh “game thủ”?

Google News

(Kiến Thức) - Vẫn biết việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp là bước đổi mới mang tính đột phá. Tuy nhiên, nếu không vận dụng một cách nghiêm túc thì sẽ “lợi bất cập hại” khi smartphone mang lại không ít hệ luỵ.

Hoc sinh dung dien thoai trong lop: “Tao dung” bo phan hoc sinh “game thu”?
 Việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp cần hiểu cho đúng.
Học sinh dùng điện thoại trong lớp: Hiểu sao cho đúng
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có động thái cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp. Trong thời đại 4.0 hiện nay, điện thoại thông minh (smartphone) đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Bởi đây là nơi cung cấp kho tàng kiến thức bằng việc kết nối Internet.
Trong lĩnh vực giáo dục, smartphone còn được coi là công cụ giáo dục bởi học sinh có thể qua đó tiếp cận nhiều nguồn kiến thức khác nhau bổ sung cho kiến thức mà giáo viên và sách giáo khoa cung cấp.
Thực tế, Thông tư mới nhất của Bộ GD&ĐT không phải cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Trước đó, năm 2007, Quyết định 07 của Bộ GD&ĐT đã có quyết định không cho HS nghe, trả lời bằng điện thoại di động. Cụ thể: HS không được “làm việc khác; nghe, trả lời bằng điện thoại di động… trong giờ học, khi đang tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường”.
Năm 2011, sau khi thời đại smartphone bùng nổ, Bộ GD&ĐT đã gia tăng mức độ cấm đoán ở chỗ không cho sử dụng bằng bất cứ hình thức nào và trong bất kỳ trường hợp nào. Cụ thể: HS không được “làm việc khác; sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học”.
Mới đây nhất, Thông tư 32/2020 (thay thế Thông tư 12/2011) thì như đã nêu ở trên, các HS sẽ bị cấm sử dụng điện thoại di động trong lớp học khi không phải để phục vụ cho việc học tập và khi GV không cho phép.
Như vậy, việc tạo điều kiện cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp là hình thức nới lỏng nhằm phục vụ mục đích học tập dưới sự kiểm soát của giáo viên chứ không phải học sinh mặc nhiên được sử dụng điện thoại trong lớp.
Hoc sinh dung dien thoai trong lop: “Tao dung” bo phan hoc sinh “game thu”?-Hinh-2
 Học sinh chỉ được sử dụng điện thoại vào mục đích học tập.
Nguy cơ tiềm ẩn
Điện thoại thông minh vốn rất hữu ích nhưng cũng mang đến một số nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ, khả năng tiếp thu của học sinh như nguy cơ nghiện game, sa đà vào nội dung xấu trên mạng xã hội, khả năng tăng tỉ lệ cận thị và giảm giao tiếp với thế giới xung quanh.
Chị Phương Hà (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, con tôi học lớp 7 trong cuộc họp phụ huynh đầu năm cô giáo chủ nhiệm yêu cầu gia đình học sinh phải làm một bản cam kết về việc sử dụng điện thoại di động. Theo đó, HS phải sử dụng điện thoại đúng lúc, đúng nơi quy định các thiết bị điện thoại thông minh, không lạm dụng chơi game online, lập các nhóm chat, nói tục chửi thề.
Thầy giáo Nguyễn Quang Hưng (Giáo viên thể dục một trường THCS trên địa bàn quận Hoàng Mai) chia sẻ, hiện tại tình hình các em chơi game quá nhiều, một số em tranh thủ cả thời gian chuyển tiết học, giờ ăn trưa để chơi. “Đáng ngại nhất là nhiều em tranh thủ giờ ra chơi để chơi game mà không chịu đứn dậy vận động cơ thể. Có những em vừa hết tiết học là lôi smartphone ra hò hét theo game trên mạng” - thầy Hưng cho biết.
Về việc sử dụng smartphone, thầy Hưng cũng phân tích, Trước đây muốn chơi điện tử thường phải ra quán net, nhưng giờ thì với chiếc điện thoại thông minh trong tay, các em có thể kết nối với nhau để chơi game thâu đêm suốt sáng, còn phụ huynh và giáo viên rất khó phát hiện.
Chia sẻ với báo chí, thầy giáo Phạm Phúc Thịnh tỏ ra quan ngại việc học sinh sử dụng điện thoại và phụ thuộc vào công nghệ. Theo thầy Thịnh, một trẻ trong độ tuổi vị thành niên sử dụng smartphone lướt Facebook, Instagram, TikTok, YouTube, tin tức mời gọi… Cứ như thế, trẻ đắm chìm vào thế giới đủ mọi tin tức thượng vàng hạ cám. Trẻ trượt dài trong rừng thông tin, lướt hết trang này đến trang kia, hết sử dụng app này đến app khác.
Có đôi lúc trẻ bắt đầu bằng một nhiệm vụ rất cụ thể truy tìm thông tin để phục vụ mục đích học tập. Trong quá trình tìm thông tin phục vụ mục đích học tập, trẻ bắt gặp những thông tin gây tò mò, cuốn hút sự chú ý và trẻ lướt vào trong rừng thông tin đó, dần quên mất mục tiêu ban đầu…
“Điện thoại cuốn trẻ vào việc sử dụng công nghệ mà dần quên hết mọi thứ xung quanh. Điện thoại không như laptop, gấp máy tính lại là dứt, là ngưng sử dụng; càng không giống như đọc sách, gấp trang sách lại là thôi. Điện thoại không có dấu hiệu ngừng. Điện thoại có thể biến trẻ từ người chủ sử dụng công nghệ thành người nô lệ cho công nghệ” - thầy Thịnh phân tích.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Về cơ bản HS vẫn không được sử dụng điện thoại. Các em chỉ được sử dụng thiết bị điện thoại di động khi nào GV thấy thực sự cần thiết và cho phép. Bộ GD&ĐT không cấm hoàn toàn việc dùng điện thoại trong lớp nhưng cũng không có nghĩa là được dùng một cách thoải mái, không có sự kiểm soát.
Việc cho HS dùng hay không dùng điện thoại trong giờ học do GV quyết định. Trong hoạt động đó, thầy cô phải theo dõi, quan sát HS xem có khó khăn, vướng mắc gì để hỗ trợ các em thực hiện hoạt động này. Khoảng thời gian sử dụng điện thoại chỉ phục vụ cho hoạt động giáo dục nào đó, trong thời gian nhất định.

Hoàng Nam