Khám phá hệ thống “chữ viết” từ kỷ băng hà

Google News

Một nhà khảo cổ học nghiệp dư đã phát hiện được một hệ thống chữ viết nguyên thủy được con người trong kỷ băng hà sử dụng và kết luận rằng những dấu hiệu 20.000 năm tuổi này là một dạng lịch âm.

Ông Ben Bacon đã dành vô số thời gian cố gắng giải mã hệ thống “chữ viết sơ khai”, được cho là có trước các hệ thống lưu giữ tư liệu khác ít nhất 10.000 năm. Nghiên cứu cho thấy các bức vẽ hang động không chỉ là một hình thức thể hiện nghệ thuật mà còn được sử dụng để ghi lại thông tin về chu kỳ sinh sản của một số loài động vật.

Kham pha he thong “chu viet” tu ky bang ha

Tranh vẽ trong hang động ở Lascaux, Pháp

Theo ông Bacon, ông đã tiếp cận một nhóm các học giả để nói về lý thuyết của mình và được khuyến khích theo đuổi nó mặc dù ông chỉ là “một người ngoài lĩnh vực”. Ông Bacon từ đó đã hợp tác với một nhóm nghiên cứu, bao gồm hai giáo sư từ Đại học Durham và một từ Đại học London ở Anh, để xuất bản một bài báo trên Tạp chí Khảo cổ học Cambridge.

Giáo sư Paul Pettitt, nhà khảo cổ học tại Đại học Durham cho biết, ông “rất vui vì đã xem xét vấn đề một cách nghiêm túc” khi ông Bacon liên lạc với ông. “Kết quả cho thấy con người ở kỷ băng hà là những người đầu tiên sử dụng lịch có hệ thống và các ký hiệu để ghi lại thông tin về các sự kiện sinh thái lớn trong giai đoạn đó”.

Những bức tranh trong hang động về các loài như tuần lộc, cá và loài hiện đã tuyệt chủng như bò rừng đã được tìm thấy trên khắp châu Âu. Bên cạnh những hình ảnh này, chuỗi các dấu chấm và các ký hiệu khác đã được tìm thấy trong hơn 600 hình ảnh trên hang động và các vật thể khác từ kỷ băng hà. Các nhà khảo cổ từ lâu đã tin rằng những ký hiệu này có ý nghĩa, nhưng không ai giải mã được chúng.

Ông Bacon đã đặt mục tiêu giải mã những ký hiệu này, truy cập các nghiên cứu trước đây tại Thư viện Anh và tìm kiếm các mẫu lặp lại. Ông cho biết, việc hiểu được mọi người đã nói gì cách đây 20.000 năm là một điều “siêu thực”.

Bằng cách sử dụng chu kỳ sinh của các loài động vật ngày nay làm điểm mốc, nhóm nghiên cứu đã suy luận rằng, các ký hiệu liên quan đến động vật kỷ băng hà là cách con người tính ngày tháng vào thời đó. Họ tin rằng ký hiệu “Y”, được sinh ra bằng cách vẽ thêm một đường mới vào đường có sẵn, có nghĩa là “sinh đẻ”. “Chúng tôi có thể chỉ ra rằng những người này - những người đã để lại di sản nghệ thuật ngoạn mục trong các hang động Lascaux và Altamira - cũng để lại một cách tính thời gian nguyên sơ mà sau này sẽ trở nên phổ biến với loài người chúng ta”, giáo sư Pettitt cho biết.

Vì các ký hiệu được cho là ghi lại thông tin bằng số chứ không phải ghi lại lời nói, nên chúng không được coi là “chữ viết” theo nghĩa của hệ thống chữ tượng hình và chữ hình nêm xuất hiện ở Sumer từ năm 3.400 năm trước Công nguyên, mà được phân loại là hệ thống chữ viết sơ khai.

Ông Bacon cho biết, các tác phẩm khiến những người đứng đằng sau các bức vẽ “đột nhiên gần gũi với chúng ta hơn rất nhiều”. “Khi tìm hiểu sâu hơn về thế giới của họ, điều chúng tôi khám phá ra là những tổ tiên xa xưa này giống chúng ta hơn chúng ta tưởng rất nhiều”, ông nói.

Phát hiện này đã khuyến khích nhóm thực hiện nghiên cứu sâu hơn về ý nghĩa của các ký hiệu khác được tìm thấy trong các bức vẽ hang động. “Dự án có vẻ hứa hẹn, và chúng tôi hy vọng có thể giải mã thêm nhiều phần khác của hệ thống viết sơ khai mà sẽ cho phép chúng tôi hiểu được những thông tin mà tổ tiên của chúng ta muốn truyền lại”. 

Theo Ngọc Diệp/Tiền Phong