Hôm qua (31-3) là thời hạn cuối để những thuê bao di động có thông tin cá nhân chưa trùng khớp với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải thực hiện chuẩn hóa. Sau thời hạn này, những thuê bao không chuẩn hóa bắt đầu bị khóa.
Để thực hiện chủ trương trên, những ngày qua người dân đã đi khai lại hay cập nhật thông tin với nhà mạng để giữ số điện thoại của mình. Tính ra, đây không phải là lần đầu công dân phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhà mạng.
Mấy năm trước người dân đã phải rồng rắn xếp hàng chờ đăng ký thông tin chính chủ cho SIM, cập nhật ảnh chân dung... Rồi khi CCCD mấy lần thay đổi, người dân lại phải tất bật cập nhật nếu không muốn bị phiền toái trong các giao dịch tài chính, hành chính.
Lần này cũng vậy, nhiều người dân và người nước ngoài lại phải đến tận cửa hàng viễn thông hoặc nhắn tin cập nhật thông tin theo yêu cầu từ cơ quan chức năng như là biểu tượng của tinh thần tuân thủ pháp luật.
Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động đương nhiên là cần thiết nhằm góp phần kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi dùng SIM điện thoại không đúng quy định để lừa đảo, quảng cáo sai sự thật. Qua đó giảm thiểu rủi ro cũng như bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Nhưng từ đây cũng cần thẳng thắn đặt ra vấn đề: Việc cập nhật thông tin thuê bao điện thoại di động là cần nhưng chưa đủ trong bối cảnh SIM rác vẫn hoành hành. Ai đã gây ra tình trạng thông tin SIM điện thoại không chính xác? Ai đã gây ra tình trạng SIM rác làm khổ người dân?
Luật Viễn thông 2009 cũng như các nghị định 25/2011, 174/2013, 49/2017… về viễn thông luôn đặt trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông lên trước với nghĩa vụ tuân thủ của người dân. Hơn nữa, việc chuẩn hóa dữ liệu cá nhân thuê bao di động nhằm quản lý chặt hơn, tránh tình trạng SIM rác tràn lan như hiện nay. Ấy vậy mà bây giờ SIM rác vẫn tràn lan trên thị trường gây phiền toái bằng tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo.
Vậy trách nhiệm của các nhà mạng nằm ở đâu? Được xử lý thế nào? Đã thỏa đáng chưa? Những câu hỏi này chưa có lời đáp thỏa đáng!
Nên nhớ, nhà mạng phải có trách nhiệm đảm bảo từng SIM bán ra được lưu trữ thông tin chính xác của người sử dụng. Đây là trách nhiệm của nhà mạng. Nhà mạng không nên chỉ chạy theo doanh thu, lợi nhuận mà không kiểm soát chặt để SIM rác tràn lan.
Không thể cứ mỗi khi xảy ra tình trạng SIM rác, hay tin nhắn rác hay các nguy cơ vi phạm, tội phạm viễn thông tiềm ẩn thì công dân lại được kêu gọi trách nhiệm và nghĩa vụ trong khi nhà mạng chưa làm hết trách nhiệm của mình. Nói cách khác, người dân không thấy trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông tương xứng với nghĩa vụ của hàng chục, hàng trăm triệu thuê bao.
Về phía cơ quan chức năng cũng phải quy trách nhiệm rõ ràng và xử phạt mạnh tay với các nhà mạng sai phạm về SIM rác, như rút giấy phép. Khi đó việc chuẩn hóa thông tin mới thực sự phát huy tác dụng, người dân mới bớt bị làm phiền. Nếu không, trăm dâu lại đổ đầu… dân!
Theo CHÂN LUẬN/Báo Pháp Luật TP.HCM