Khi nhắc tới những chiếc điện thoại được hàng triệu người dùng mong chờ, nhiều người thường nghĩ tới smartphone của các thương hiệu đình đám như Samsung hay Apple. Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, hàng triệu người dùng tại Bờ Biển Ngà, Ấn Độ và Indonesia đang lần đầu tiếp xúc với Internet thông qua những thiết bị có giá khoảng 25 USD.
Những sản phẩm này có ngoại hình giống như các mẫu điện thoại giá rẻ của Nokia khoảng 20 năm trước. Bên cạnh khả năng nhắn tin, nghe gọi cơ bản, chúng hỗ trợ người dùng kết nối Internet với gói dữ liệu di động giá rẻ, một số ứng dụng cơ bản.
Điện thoại cơ bản, hỗ trợ kết nối Internet
Chúng là những chiếc điện thoại cục gạch "thông minh" (smart feature phone). Đây là phân khúc điện thoại đang có tốc độ phát triển nhanh nhất nhưng cũng ít được nhắc đến nhất trong ngành công nghiệp di động. Các thiết bị này thường xuất hiện ở những nước nghèo trên thế giới, cung cấp cho người dùng phương thức cơ bản để truy cập Internet.
|
Chiếc điện thoại JioPhone của nhà mạng Reliance Jio Infocomm. Ảnh: Reuters. |
Năm 2018, lượng smartphone bán ra trên toàn cầu bắt đầu trượt dốc khi thị trường trở nên bão hòa. Trong khi đó, dòng điện thoại cơ bản này có doanh số tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2017, đạt khoảng 75 triệu thiết bị. Counterpoint cho biết khoảng 84 triệu máy sẽ được xuất xưởng vào năm 2019.
Theo We Are Social, trong khi một số quốc gia bắt đầu triển khai công nghệ 5G, khoảng 3,4 tỷ người dùng trên thế giới vẫn chưa được kết nối với Internet. Hầu hết họ sử dụng những chiếc điện thoại cơ bản, chỉ có tính năng nghe gọi, nhắn tin và không hỗ trợ kết nối mạng không dây.
Kamlesh Kumar hiện làm công việc bán hoa quả trên vỉa hè tại New Delhi. Mỗi tháng, anh kiếm được khoảng 80 USD. Hai năm trước, người đàn ông 35 tuổi này đã quyết định nâng cấp chiếc điện thoại của mình.
Tuy nhiên, anh ta không đủ điều kiện kinh tế để chi trả cho bất cứ chiếc smartphone giá rẻ nào, dù chúng chỉ có giá khoảng 100 USD. Do đó, anh đã lựa chọn mua mẫu máy JioPhone, một chiếc điện thoại cục gạch "thông minh" được phát hành bởi nhà mạng Reliance Jio Infocomm.
Hiện tại, anh đã có thể nghe nhạc Bollywood trong lúc làm việc, sử dụng trợ lý ảo Google để tìm kiếm các bài hát trên YouTube. Ban đêm, gia đình anh lại chen chúc xung quanh chiếc máy này để xem phim.
“Tôi không thể làm bất cứ điều gì trên chiếc điện thoại cũ của mình”, anh nói. Kumar cũng cho biết thêm anh chỉ phải trả dưới 2,5 USD mỗi tháng cho chi phí sử dụng dữ liệu di động.
Những chiếc điện thoại cục gạch "thông minh" không chỉ rẻ, chúng còn sở hữu bàn phím vật lý, gần gũi hơn so với màn hình cảm ứng trên những chiếc smartphone. Thêm vào đó, thời lượng pin của chúng có thể đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng trong nhiều ngày.
Dĩ nhiên, những thiết bị này cũng tồn tại nhiều điểm yếu mà người dùng phải đánh đổi. Chúng xử lý các tác vụ khá chậm, chỉ hỗ trợ camera cơ bản và màn hình có kích thước nhỏ. Bên cạnh đó, máy chỉ hỗ trợ một vài ứng dụng cơ bản có sẵn.
“Nhu cầu sử dụng các thiết bị công nghệ giá rẻ đang tăng mạnh trên thế giới. Những chiếc điện thoại cục gạch 'thông minh' cung cấp cho người dùng cánh cổng để tiếp cận với thế giới công nghệ tiên tiến trong một mức giá phải chăng”, Caesar Sengupta, Phó chủ tịch phụ trách dự án Next Billion Users của Google, nhận định.
Phổ biến tại các nước nghèo
Những thiết bị này phổ biến tại Ấn Độ nhờ vào công ty viễn thông Reliance Jio. Năm 2016, các giám đốc cấp cao của công ty đã nhận thấy nhu cầu sử dụng dữ liệu giá rẻ của hàng triệu người dùng nhưng họ lại không thể tiếp cận với smartphone.
Vì vậy, công ty đã hợp tác với KaiOS Technologies để phát triển mẫu JioPhone. Hệ điều hành KaiOS được tối ưu cho các thiết bị có bàn phím vật lý và bộ nhớ nhỏ. Đến nay, Reliance Jio đã bán được hơn 60 triệu thiết bị tại thị trường Ấn Độ.
Nhận thấy tiềm năng của những chiếc điện thoại cục gạch "thông minh", hàng loạt công ty công nghệ khổng lồ như Facebook, WhatsApp, Google hay Twitter đã điều chỉnh ứng dụng của họ để phù hợp cho việc sử dụng trên các mẫu máy này. Năm 2018, Google cũng đầu tư 22 triệu USD vào KaiOS.
|
Các nhân viên tại nhà mạng Reliance Jio đang tư vấn cho khách hàng. Ảnh: Bloomberg. |
Counterpoint cho biết khoảng 370 triệu chiếc điện thoại cục gạch "thông minh" sẽ được bán ra trong 3 năm tới. Đây là cơ hội cho các công ty phần cứng, phần mềm cũng như dịch vụ thu về 28 tỷ USD.
Công ty viễn thông Pháp Orange SA gần đây đã ra mắt một chiếc điện thoại cục gạch "thông minh" giá rẻ đi kèm với gói cước dữ liệu di động ở Bờ Biển Ngà, Mali, Burkina Faso và Cameroon. Dự kiến, thiết bị này sẽ sớm cập bến thị trường châu Phi và Trung Đông.
Một số mẫu máy khác ở Indonesia được bán ra bởi nhà sản xuất WizPhone cũng có giá khoảng 7 USD. KaiOS đang làm việc với các nhà sản xuất smartphone tại Brazil để phát triển mô hình này tại đây.
“Smartphone có thể khá phức tạp với một số người. Thậm chí, họ còn sợ hãi chúng”, Sebastien Codeville, Giám đốc cấp cao của KaiOS, chia sẻ.
Theo Đức Hải/Zing News