Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy loại vi-rút này trong lõi băng dài 1.000 feet lấy từ sông băng Guliya trên cao nguyên Tây Tạng, nằm ở ngã ba của Trung Á, Nam Á và Đông Á. Điều này làm dấy lên mối lo ngại rằng khi thế giới nóng lên và băng tan, nó có thể giải phóng các mầm bệnh mà khoa học chưa biết đến và gây ra một đại dịch chết người.Loại virus này có niên đại từ 41.000 năm trước và đã tồn tại qua ba lần thay đổi lớn từ khí hậu lạnh sang khí hậu ấm.
Chỉ một ngày sau khi các nhà nghiên cứu công bố nghiên cứu của mình, rapper kiêm diễn viên Chris ' Ludacris ' Bridges đã đăng một video ghi lại cảnh anh uống nước tan chảy từ một sông băng ở Alaska. Video đã thu hút hàng triệu lượt xem trên TikTok và Instagram, làm dấy lên làn sóng lo ngại rằng anh đang mạo hiểm mạng sống của mình khi uống nước sông băng chưa qua xử lý.
Ảnh minh họa.
Nhưng một nhà nghiên cứu về sông băng đã tuyên bố rằng "ông ấy hoàn toàn ổn" và nước từ dòng nước tan chảy của sông băng "là loại nước sạch nhất mà bạn từng có". Tuy nhiên, mối lo ngại của công chúng không phải hoàn toàn vô căn cứ.
Các tác nhân gây bệnh chết người đã xuất hiện từ lớp đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy ở nhiều nơi khác trên thế giới, làm dấy lên lo ngại về khả năng bùng phát dịch bệnh. Vào năm 2016, bào tử bệnh than đã thoát ra từ một xác động vật bị đông lạnh trong lớp băng vĩnh cửu Siberia trong 75 năm. Hàng chục người đã phải nhập viện và một trẻ em đã tử vong.
Nhưng may mắn thay, cả 1.700 loại vi-rút được tìm thấy trong nghiên cứu mới nhất này đều không gây ra mối đe dọa nào đối với sức khỏe con người, các nhà nghiên cứu tuyên bố.Bởi vì những loại virus này chỉ có thể lây nhiễm vi khuẩn cổ là những sinh vật đơn bào. Chúng không thể khiến con người, động vật hoặc thậm chí là thực vật bị bệnh.
Nhưng việc nghiên cứu chúng rất quan trọng vì chúng cung cấp góc nhìn sâu sắc vào lịch sử khí hậu của Trái Đất và có thể giúp chúng ta hiểu được các cộng đồng vi khuẩn trong tương lai trông như thế nào.
Nhóm nghiên cứu do Đại học bang Ohio dẫn đầu đã khoan sâu hơn 1.000 feet vào sông băng Guliya, một tảng băng khổng lồ nằm ở phía tây bắc Cao nguyên Tây Tạng.Lõi băng thu được được chia thành chín phân đoạn, mỗi phân đoạn đại diện cho một mốc thời gian và thời kỳ khí hậu khác nhau. Các phân đoạn có độ tuổi từ 160 đến 41.000 năm.
Các nhà nghiên cứu đã trích xuất DNA từ mỗi phân đoạn và sử dụng một quá trình gọi là phân tích siêu gen để xác định từng chủng vi-rút riêng lẻ. Cuối cùng, họ đã lập danh mục được lượng thông tin về vi-rút nhiều hơn khoảng 50 lần so với những gì các nhà khoa học từng thu thập được từ các sông băng trước đây.
Từ phân tích của mình, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các quần thể virus trông rất khác nhau tùy thuộc vào điều kiện khí hậu tại thời điểm chúng bị đông lạnh.
Đồng tác giả nghiên cứu và nhà vi sinh vật học tại Đại học bang Ohio, Matthew Sullivan, phát biểu với tạp chí Popular Science rằng:'Chúng tôi đã thấy sự thay đổi rõ rệt ở các loại vi-rút tồn tại ở vùng khí hậu lạnh so với vùng khí hậu ấm hơn'.
Đồng tác giả nghiên cứu ZhiPing Zhong, cộng tác viên nghiên cứu vi sinh vật tại Đại học bang Ohio, cho biết:'Điều này ít nhất cũng chỉ ra mối liên hệ tiềm tàng giữa vi-rút và biến đổi khí hậu'.
Sullivan, Zhong và các đồng nghiệp đã công bố phát hiện của họ trên tạp chí Nature Geosciences .
Theo Sở hữu trí tuệ