|
Cá tuyết xanh chết dày đặc một góc đại dương. Ảnh: Sea Sepherd |
Theo trang Dailymail, số cá tuyết xanh nói trên đã bị tàu đánh cá lớn thứ hai thế giới vứt ngoài khơi bờ biển phía Tây nước Pháp, khiến các nhà bảo vệ môi trường phẫn nộ.
Chủ sở hữu người Hà Lan của tàu đánh cá FV Margiris cho biết đây là một tai nạn hy hữu. Nguyên nhân là trọng lượng quá lớn của số cá khiến lưới bị đứt.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động tại Sea Shepherd France tuyên bố rằng tàu đánh cá đã đổ số cá mà họ không muốn xử lý, vi phạm các quy tắc của Liên minh châu Âu EU).
|
Ảnh: Sea Sepherd |
Người đứng đầu nhóm là Lamya Essemlali cho rằng những con tàu kiểu này rất muốn đổ cá chết giữa đại dương vì không có ai nhìn thấy, không có ai kiểm soát. Họ đã ném xuống biển những con cá mắc vào lưới mà họ không muốn sử dụng rồi tàu sẽ ở lại trong khu vực để tiếp tục đánh cá.
Bà Essemlali nói: “Hoàn toàn không bị trừng phạt trên biển. Không phải nộp tiền phạt. Sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Chúng ta phải tăng cường kiểm soát trên biển, chúng ta phải gắn camera trên tất cả tàu cá”.
|
Ảnh: Sea Sepherd |
Theo bà Essemlali, hành vi của tàu cá nói trên có tác động đến quần thể cá tuyết xanh nhưng nó cũng có tác động đến những cá săn mồi, như cá heo, bởi vì loài cá mà những tàu cá siêu lớn này đang đánh bắt là thức ăn chính của cá heo và cá mập. Về cơ bản, chúng ta đang đẩy cá heo vào chỗ chết đói”.
Tuy nhiên, một tuyên bố của nhóm thương mại Hiệp hội Tàu đánh cá-Tàu đông lạnh Pelagic cho biết số cá chết bao phủ diện tích 3.000m2 ngoài khơi bờ biển La Rochelle đã vô tình bị xả ra biển vì rách lưới.
|
Ảnh: Sea Sepherd |
Hiệp hội này cho biết đã báo cáo sự cố theo luật của EU và số cá nói trên sẽ bị trừ vào hạn ngạch đánh bắt cá của chủ sở hữu Parlevliet & Van der Plas trong tương lai.
Bộ trưởng Hàng hải của Pháp, Annick Girardin, gọi những hình ảnh cá chết là gây sốc và nói rằng bà đã yêu cầu một cuộc điều tra.
Những tàu đánh cá như Margiris sử dụng lưới kéo dài hơn 1.000 mét, sau đó chế biến cá trong các nhà máy trên tàu. Đây là một hoạt động bị các nhà môi trường chỉ trích.
Bà Essemlali cho biết thêm kích thước của Margiris - lớn hơn 14 lần so với hầu hết các tàu đánh cá - trước đây đã gây ra tranh cãi ở Australia đến mức chính phủ nước này đã thay đổi các quy định về đánh bắt. Tàu đã phải rời Australia mà không được đánh bắt cá. Sau đó, tàu được bán cho các chủ sở hữu người Hà Lan, nhưng cắm cờ Litva.
Theo Thùy Dương/Báo Tin tức