Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Richard Parker từ Khoa Vật lý và thiên văn của Trường Đại học Sheffield - Anh đã đưa ra một mô hình mới giải thích sự hình thành của một dạng hệ sao gây khó hiểu nhiều năm nay đối với giới khoa học.
Đó là thế giới kỳ lạ của những ngôi sao màu xanh lam loại B, khối lượng ít nhất gấp 3 lần Mặt Trời của chúng ta, cực nóng và có bức xạ cực tím siêu mạnh. Các ngôi sao nóng nhất luôn có sắc xanh, càng "nguội" càng đỏ dần, vì thế loại sao được đề cập tới là "quái vật" đứng hàng thứ 2 trong thế giới sao, chỉ thua loại sao "xanh ngắt" loại O nặng ít nhất gấp 16 lần Mặt Trời.
|
Ảnh đồ họa mô tả một "gia đình quái vật" với một ngôi sao xanh lam và một hành tinh khí khổng lồ, cả hai đều rất lớn và rất mạnh mẽ - Ảnh: TRƯỜNG ĐẠI HỌC SHEFFIELD |
Để so sánh, Mặt Trời của chúng ta là một ngôi sao loại G màu vàng có sức mạnh đứng hàng thứ 5 trong 7 cấp phân loại sao.
Nhiều ngôi sao xanh lam sở hữu một thứ kỳ lạ: Một hành tinh khí giống Sao Mộc - hành tinh có khối lượng gấp 318 lần Trái Đất - nhưng nằm ở rất xa, cách sao mẹ tới hàng trăm đơn vị thiên văn (AU). Một đơn vị thiên văn chính là khoảng cách Mặt Trời - Trái Đất.
Theo tờ SciTech Daily, nhóm nghiên cứu lần này đã xoáy vào độ xa bất thường nói trên và một vấn đề nan giải khác: Bức xạ cực tím quá lớn của những ngôi sao "quái vật" màu xanh lam sẽ ngăn việc hình thành những hành tinh khí khổng lồ trong đĩa tiền hành tinh của nó.
Các nhà khoa học Sheffield đã kiểm tra nhiều kịch bản để chỉ ra lối thoát duy nhất: Chúng phải là những hành tinh bị đánh cắp, được gọi là "BEAST", viết tắt của "nghiên cứu về ngoại hành tinh phong phú quanh sao loại B", nhưng cũng có thể hiểu một cách hài hước là "quái vật".
"Về cơ bản, đây là một vụ trộm hành tinh. Chúng tôi đã sử dụng mô phỏng máy tính để chỉ ra việc đánh cắp hoặc bắt giữ các BEAST này xảy ra trung bình 1 lần trong 10 triệu năm đầu tiên trong quá trình tiến hóa của một vườn ươm sao".
Có hai kiểu đánh cắp. Một là các ngôi sao siêu mạnh này đi ngang một hệ sao khác và bắt luôn "con" của các ngôi sao yếu hơn - không phải những hành tinh nhỏ bé như địa cầu chúng ta, mà là những hành tinh khổng lồ, thuộc dạng "quái vật" trong giới hành tinh, phù hợp với người mẹ "quái vật" mới của nó.
Hai là chúng bắt cóc những "hành tinh lang thang" khổng lồ, thứ còn mang biệt danh "ngôi sao thất bại", mà thuật ngữ thiên văn gọi là sao lùn nâu. Sao lùn nâu lớn hơn một hành tinh rất nhiều và nhưng lại quá nhỏ so với sao, không đủ sức duy trì phản ứng nhiệt hạch trong lõi và thường là kẻ cô độc trong vũ trụ.
Dù là bắt cóc kiểu gì, thì các hành tinh kỳ lạ này và cách mà nó đã thuộc về hệ sao có "mẹ" là một ngôi sao xanh lam là một bổ sung mới cho bộ sưu tập các dạng hệ sao khác nhau, thể hiện sự đa dạng đáng kinh ngạc.
Nghiên cứu vừa công bố trên chuyên san khoa học Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.
Theo Anh Thư/Người Lao Động