Theo Dân Trí, một số cá thể gồm cá sấu nước ngọt và cá sấu mõm dài Ấn Độ tại Khu bảo tồn quốc gia Chitwan đang có những thay đổi bất ngờ, khi lớp da bên ngoài của chúng dần chuyển sang màu vàng cam.Phoebe Griffith, nhà nghiên cứu tại Viện Sinh thái Leibniz, Đức, đã hợp tác với Mecistops - một dự án bảo tồn loài cá sấu mũi hẹp Tây Phi (tên khoa học Mecistops cataphractus), để đi tìm câu trả lời.
Ban đầu, họ cho rằng những con cá sấu này đang tự biến đổi màu da của chúng để thích nghi với một thay đổi tự nhiên nào đó, điển hình là biến đổi khí hậu, hoặc chúng đang cố gắng hòa mình vào môi trường xung quanh.Thế nhưng sau khi nghiên cứu kỹ hơn, Griffith nhận thấy hóa ra những con cá sấu này chịu ảnh hưởng từ một số con sông hoặc suối có hàm lượng sắt rất cao.
"Một số khu vực tại Chitwan có hàm lượng sắt trong nước cao tới mức nghiêm trọng", Griffith lý giải. "Sắt đã phản ứng với oxy để tạo thành oxit sắt - một chất màu cam".
Sở dĩ xảy ra điều này là bởi những con cá sấu chủ yếu dành phần lớn thời gian của chúng ở dưới nước, và thường chỉ bò lên bãi cát để phơi nắng hoặc làm tổ. Do đó, hợp chất từ sắt đã phủ lên da và răng của chúng theo thời gian, khiến chúng dần biến đổi màu sắc để trở nên khác lạ hơn với những con cá sấu khác.
Dẫu vậy, Griffith cho rằng hiện tượng này chỉ diễn ra tạm thời, bởi lớp oxit sắt trên những con cá sấu có thể bị rửa trôi ở vùng nước chứa ít sắt hơn.Đây không phải trường hợp đầu tiên ghi nhận động vật bò sát bị chuyển đổi màu da do môi trường sống.
Trong một nghiên cứu năm 2016, các nhà khoa học cho rằng loài cá sấu lùn (tên khoa học: Osteolaemus tetraspis) sống trong các hang động ở Gabon, cũng bị chuyển sang màu cam sau khi tiếp xúc với phân dơi có chứa hàm lượng urê cao.
Theo PV/Đại đoàn kết