Chim yến là loài sinh sống chủ yếu ở phía Nam, và một số ít ở miền Trung. Loài này chỉ sống được ở những vùng có khí hậu ấm áp, không khí trong lành, độ ẩm ổn định... Vì thế, việc thấy loài yến xuất hiện, thậm chí số lượng lên đến hàng nghìn con ở vùng biển phía Bắc là điều thú vị, nếu không nói là hiếm thấy.
Trước đây, rất nhiều tỉnh, thành, nhà khoa học, người dân đã tìm cách đưa loài yến ra miền Bắc để nuôi vì giá trị kinh tế mà nó mang lại rất lớn. Những mô hình đó bước đầu đều gặp hái được thành công, nhưng về lâu về dài thì khó duy trì và phát triển được số lượng của đàn yến.
Nguyên nhân chủ yếu bởi thời tiết miền Bắc quá khắc nghiệt: Hè nóng – đông lạnh, mà bản chất của chim yến là không chịu được khí hậu lạnh.
Ngoài điều kiện tự nhiên thì loài yến rất kén chọn nơi sinh sống, trú ngụ, nếu môi trường không trong lành và đảm bảo đáp ứng được những điều kiện về thuộc tính thì yến sẽ chết hoặc di trú đi nơi khác.
|
Tổ yến là sản phẩm mang lại giá trị kinh tế rất lớn, nên nhiều người cố đưa loài yến ra miền Bắc nhưng rất khó để duy trì số lượng đàn. |
Thế nhưng, với đam mê, nhiệt huyết và sự trăn trở về một hướng đi cho đoàn viên thanh niên, anh Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Thanh thiếu nhi tỉnh Thanh Hóa (trụ sở tại Sầm Sơn) đã tận dụng được thời cơ, dụ được yến làm tổ…
Trước khi về đảm trách nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Thanh thiếu nhi tỉnh Thanh Hóa, anh Tuấn là cán bộ Đoàn năng nổ, có nhiều đóng góp cho phong trào của tuổi trẻ xứ Thanh.
Ngay từ khi về nhận công tác tại trung tâm, anh nhận thấy thiên nhiên ưu đãi cho Sầm Sơn quá nhiều nhưng con người vẫn chưa tận dụng hết. Khí hậu, cảnh quan nơi đây hoàn toàn có thể phù hợp để phát triển nghề nuôi chim yến.
“Tại sao không thử nghiệm để tìm ra một mô hình cho đoàn viên thanh niên?” – anh Tuấn trăn trở.
Anh chia sẻ, trước đây qua phương tiện thông tin và thực tế, anh nhận thấy, những sản phẩm từ yến mang lại giá trị kinh tế cực lớn. Những tỉnh như Phú Yên, Khánh Hòa... là nơi nổi tiếng với nghề nuôi yến và sản phẩm từ yến. Thanh Hóa cũng có biển và những điều kiện tương đồng, trừ thời tiết… tại sao ta không làm được?
Trăn trở với suy nghĩ này, anh Tuấn bắt đầu lên mạng tìm thông tin, sách, tài liệu về yến, tập tục, tập tính và cách nuôi chúng ra sao để nghiên cứu.
Khi về công tác ở Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Thanh thiếu nhi tỉnh Thanh Hóa, trụ sở tại Sầm Sơn, anh Tuấn thấy nơi đây là địa điểm lý tưởng để áp dụng những kiến thức mà bấy lâu nay mình đã tìm hiểu.
“Sầm Sơn là nơi có khí hậu, cảnh quan thiên nhiên rất phù hợp để phát triển được nghề nuôi yến. Hơn nữa, tôi trăn trở một bãi biển đẹp như Sầm Sơn mà có thêm điểm nhấn gì đó thì quá tuyệt vời.
Nếu thực hiện được thì có thể vừa có thể bảo tồn tự nhiên, làm đẹp cảnh quan và quan trọng là cho đoàn viên có cơ hội được phát triển, tiếp cận với một nguồn lợi kinh tế mà loài yến mang lại. Hơn nữa, việc chăm sóc, bảo tồn loài yến sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo tồn thiên nhiên cũng như loài động vật quý này.
Không gì bền vững bằng việc con người tự có ý thức bảo tồn, phát huy giá trị tự nhiên, qua đó làm lợi cho bản thân, đất nước. Đó là sự phát triển bền vững” – anh Tuấn tâm sự.
Nghĩ là làm, năm 2014, anh bắt đầu áp dụng những kiến thức của mình để xây nhà yến đầu tiên, có diện tích vài chục mét vuông trên tầng thượng của trung tâm.
Nhớ về những ngày đầu xây dựng nhà yến, anh Tuấn say sưa kể, để có được một căn nhà nuôi yến thành công thì ngoài những điều kiện như môi trường sinh thái xung quanh khu vực nhà yến ra, thì cần phải tạo được điều kiện thích hợp khác về: Nhiệt độ, độ ẩm, mùi bầy đàn, ánh sáng…
Điều kiện sinh thái thì Sầm Sơn rất phù hợp nhưng điều kiện khí hậu, thời tiết lại không hoàn toàn thuận lợi. Nhiệt độ lý tưởng của một căn nhà yến là 28°C nhưng với khí hậu khắc nghiệt của mùa đông ở đây có khi xuống dưới 10°C dẫn đến việc yến chết hàng loạt hoặc bỏ đi nơi khác.
Bằng những kiến thức đã nghiên cứu tìm tòi, sau 2 năm thử nghiệm, đến nay nhà yến của trung tâm từ vài chục đôi đã phát triển đến hàng nghìn con.
Chỉ tay vào đàn yến đang ríu rít bay lượn, anh Tuấn nói: “Gần biển, thiên nhiên ưu đãi nhưng bất cập là nhiệt độ mùa đông xuống thấp quá, tôi phải tìm hiểu rất nhiều tài liệu, đi gặp những người đã làm thành công trong việc nuôi yến ở các nơi khác. Sau khi đúc rút kinh nghiệm, mùa hè chúng tôi lắp máy phun ẩm, mùa đông lắp thêm máy sưởi để yến không bỏ đi. 2 năm qua, số lượng đàn yến đã tăng lên đáng kể và cho thu hoạch”.
Theo anh Tuấn, chi phí để xây dựng một nhà yến không quá 100 triệu đồng, nếu thuận lợi thì chỉ trong thời gian ngắn là có thể hoàn vốn. “Nhưng, quan trọng là phải hiểu và nắm rõ về những đặc tính của loài yến” – anh Tuấn nhấn mạnh.
Mặc dù mô hình mình đang áp dụng khá thành công, nhưng anh Tuấn vẫn trăn trở trong câu chuyện phát triển loài yến. Bởi ngay từ đầu, anh đã định hướng đây là mô hình không chỉ riêng Sầm Sơn mà còn phải nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Phải làm thế nào để mô hình này có thể giúp được các đoàn viên thanh niên phát triển, vừa bảo tồn tự nhiên, làm đẹp cảnh quan và quan trọng là đoàn viên có cơ hội được phát triển, tiếp cận với một nguồn lợi kinh tế mà loài yến mang lại.
Đó là sự phát triển bền vững mà anh Tuấn luôn trăn trở và muốn hướng tới.
Sau 2 năm thử nghiệm, đến giờ anh Tuấn tự tin khẳng định, mô hình mình áp dụng đã thành công. Song, để nhân rộng nó và phát triển hơn nữa thì cần sự quan tâm đầu tư từ cấp trung ương đến địa phương để nó không chỉ còn là mô hình mà sẽ là một hướng phát triển kinh tế, bảo tồn thiên nhiên mà Đoàn Thanh niên là mũi nhọn tiên phong.
Mời quý độc giả xem video Chuyện lạ cá uống bia (nguồn Youtube):
Theo VTC News