Thực hiện 3 trụ cột chiến lược để dịch chuyển nền kinh tế
Ngày 6/10, Giáo sư Klaus Schwab–Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã có buổi Talkshow truyền cảm hứng cho hơn 1.200 sinh viên, doanh nghiệp của TP HCM.
|
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định thế hệ trẻ giữ vai trò xây dựng và phát triển kinh tế tri thức.
|
Phát biểu khai mạc Talkshow với chủ đề “Kinh tế tri thức - Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ”, Chủ tịch UBND TP HCM chia sẻ, thế giới đang thay đổi nhanh chóng, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đòi hỏi các quốc gia cũng như địa phương phải luôn không ngừng phát triển, hợp tác và tịnh tiến với xu thế toàn cầu. Trong đó có TP HCM, một TP năng động, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, đã và đang tích cực chủ động chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang nền kinh tế xanh, số và bền vững. Điều này đòi hỏi mỗi công dân TP phải trang bị những kiến thức, kỹ năng mới và phù hợp để sẵn sàng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ và thông tin.
|
Giáo sư Klaus Schwab cùng phu nhân (áo màu sáng) nghe giới thiệu về TP HCM.
|
Việc xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức (KTTT) không chỉ là xu thế mà còn là yêu cầu cấp bách gắn liền với quá trình chuyển đổi công nghiệp nhằm trang bị cho người lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết để nắm bắt cơ hội và đối mặt với thách thức của thời đại. Tuy nhiên, việc dịch chuyển từ nền kinh tế truyền thống sang nền KTTT đòi hỏi một quá trình tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế, thực hiện đột phá 3 trụ cột chiến lược về: kết cấu tầng hạ tầng; thể chế; nguồn nhân lực.
|
Giáo sư Klaus Schwab cùng phu nhân chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi và lãnh đạo sở ngành của TP. |
Cả 3 trụ cột triển khai không chỉ đồng thời mà còn phải hài hòa, hợp lý. Trong đó, trụ cột về nguồn lực con người là mục tiêu và động lực chính để thúc đẩy quá trình phát triển KTTT. Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng có những lợi thế không nhỏ để phát triển KTTT như: lực lượng lao động trẻ đông đảo, thích ứng nhanh với công nghệ và tư duy sáng tạo. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, chúng ta cần một thế hệ trẻ không chỉ trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn mà còn được rèn luyện kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng thích ứng nhanh chóng với công nghệ mới.
“Các bạn trẻ chính là những người tiên phong trong hành trình này. KTTT đòi hỏi ở các bạn không chỉ tri thức chuyên môn mà còn nhiệt huyết, tư duy đột phá và tinh thần dấn thân. Hơn ai hết, thế hệ trẻ là lực lượng có vai trò quyết định trong việc hình thành, phát triển nền KTTT tại Việt Nam. Đất nước đang cần những cá nhân có bản lĩnh, có trí tuệ và lòng yêu nước để xây dựng, đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng trong tương lai”, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Kỷ nguyên trí tuệ là cơ hội của thế hệ trẻ
Chia sẻ với tại Talkshow, Giáo sư Klaus Schwab–Chủ tịch sáng lập WEF cho rằng ông rất vinh dự phát biểu về chủ đề định hình tương lai và vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu. Đây là quá trình chuyển đổi sang thời đại gọi là Kỷ nguyên trí tuệ (KNTT). Thời đại này dựa trên Cách mạng công nghiệp 4.0, nơi mà công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa tiên tiến đang biến đổi các ngành công nghiệp, tái định hình thương mại và tác động đến cấu trúc xã hội theo những cách chưa từng có. Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 và chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 của Việt Nam đã đề ra các mục tiêu hướng đến nâng cao năng suất, cải thiện môi trường kinh doanh và đảm bảo tăng trưởng bao trùm cho tất cả các tầng lớp xã hội.
|
Giáo sư Klaus Schwab cùng phu nhân (áo màu sáng) trước buổi Talkshow với giới trẻ TP HCM..
|
Theo Giáo sư Klaus Schwab, để nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam có thể tận dụng tiềm năng của KNTT cũng như tác động của KNTT đối với thương mại. Đồng thời, cần có sự hợp tác cả trong ASEAN và trên toàn cầu nhằm tối đa hóa những lợi ích mà KNTT đem lại. Khi bước vào KNTT, Việt Nam cần tận dụng công nghệ số để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình. Hiện nay, Việt Nam với hơn 100 triệu dân, GDP năm 2024 dự kiến đạt 430 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP dao động từ 6% - 7% và độ tuổi trung bình của dân số chỉ hơn 30 tuổi, là một quốc gia trẻ với tiềm năng lớn để trở thành nền kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD vào năm 2050. Việt Nam cũng đã chủ động chuẩn bị cho tương lai số, như: chương trình Chuyển đổi số Quốc gia với mục tiêu đưa Việt Nam vào top 50 quốc gia về chính phủ số và kinh tế số vào năm 2025.
|
Giáo sư Klaus Schwab chia sẻ với giới trẻ TP HCM về Kỷ nguyên trí tuệ.. |
Và để tham gia toàn diện vào KNTT, Giáo sư Klaus Schwab cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư cho giáo dục, đảm bảo học sinh được trang bị những kỹ năng tương lai, gồm: tư duy phản biện, tư duy sáng tạo và kỹ năng số.
“Một trong những phẩm chất quan trọng nhất mà giới trẻ cần phát triển là học tập suốt đời. Những công việc của ngày hôm nay có thể sẽ không còn tồn tại vào ngày mai, và những kỹ năng mà các bạn học ở trường ngày nay có thể sẽ cần được cập nhật chỉ trong vài năm tới. Học tập không chỉ dừng lại ở nhà trường mà là hành trình liên tục, học những kỹ năng mới có thể thành công”, Giáo sư Klaus Schwab chia sẻ.
Đối với giới trẻ, KNTT có ý nghĩa gì, cũng được Giáo sư Klaus Schwab giải thích đó là thời đại của sự gián đoạn nhưng lại là thời kỳ đầy cơ hội, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Các công nghệ mới như: AI, IoT, Blockchain và công nghệ sinh học đang mở ra những không gian cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp chưa từng tồn tại trước đây và thanh niên Việt Nam đang có những ưu thế đặc biệt để nắm bắt những cơ hội này.
4 lĩnh vực công nghệ đang tái định hình Việt Nam
Giáo sư Klaus Schwab cũng nêu 4 lĩnh vực chính mà công nghệ đang tái định hình bối cảnh của Việt Nam. Đó là: AI và tự động hóa trong sản xuất sẽ cải tiến các quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả và giảm chi phí. Tuy nhiên, cũng mang đến thách thức mất việc làm, đặc biệt đối với lao động tay nghề thấp. Chính phủ Việt Nam đã nhận ra thách thức này và đang ưu tiên phát triển lực lượng lao động thông qua viêc đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn.
|
Giáo sư Klaus Schwab khẳng định, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD vào năm 2050. |
Trên lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) và dịch vụ số, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế số của Việt Nam. Các nền tảng như: Tiki, Shopee, MoMo phát triển nhanh chóng và nhận được sự ủng hộ của một nhóm dân số trẻ am hiểu công nghệ. Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025 đề ra mục tiêu đầy tham vọng, hướng tới 55% dân số Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến vào năm 2025. Điều này mang lại cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp họ tiếp cận thị trường mới, có thể cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.
Ngoài ra, hạ tầng số và đô thị thông minh cũng được Việt Nam đang đầu tư tại các TP Hà Nội, TP HCM và TP Đà Nẵng. Kế hoạch quốc gia về phát triển đô thị thông minh đến năm 2025 của Việt Nam hướng tới xây dựng các TP không chỉ hoạt động hiệu quả và bền vững mà còn được kết nối thông qua số hóa.
Trong lĩnh vực phát triển bền vững và công nghệ xanh, KNTT đem lại cho Việt Nam cơ hội dẫn đầu. Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đổi mới trong năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh và phương tiện giao thông điện sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải carbon thấp của Việt Nam.
Cũng theo Giáo sư Klaus Schwab, KNTT là kỷ nguyên toàn cầu. Thế giới chưa bao giờ được kết nối như hiện nay, do đó những người trẻ ở Việt Nam là một phần của cộng đồng toàn cầu. Sự trỗi dậy của nền kinh tế số của Việt Nam đồng nghĩa với việc giới trẻ có cơ hội làm việc với nhiều người, nhiều doanh nghiệp và con đường sự nghiệp của các bạn trẻ không còn bị giới hạn bởi biên giới quốc gia.
Yến Thanh