Loài cây đã tuyệt chủng cách đây 2.000 năm bất ngờ quay trở lại

Google News

Silphium là loài cây có khả năng chữa lành và trở thành loại gia vị hoàn hảo cho đến khi Hoàng đế Nero được cho là đã tiêu thụ phần thân cây cuối cùng.

Hàng ngàn năm trước, từ Athens đến Đế chế La Mã, một trong những sản phẩm được tìm kiếm nhiều nhất ở Địa Trung Hải là một loài cây có bông hoa vàng có tên là silphium (còn được gọi là silphion, laserwort, hoặc laser).
Các bác sĩ Hy Lạp cổ đại, bao gồm cả Hippocrates, đã sử dụng cây này để chữa một loạt bệnh từ đau dạ dày đến bệnh tim, loại bỏ mụn cóc, trong khi các đầu bếp La Mã sử dụng nó như một loại cây gia vị để tạo hương vị cho mọi thứ, từ các món ăn như đậu lăng đến các món ăn đặc biệt như thịt chim hồng hạc. Trong triều đại của Julius Caesar, hơn một nghìn pound cánh hoa của loài thực vật đã được cất giữ cùng với vàng trong kho bạc hoàng gia của La Mã, và những cây silphium thời đó thường có giá trị ngang với bạc.
Theo đó, loài thực vật này trở thành mặt hàng kinh tế chính tại vùng Cyrenaic của Libya trong sáu thế kỷ. Mặc dù các vị vua của Cyrene đã làm mọi cách để giữ độc quyền buôn bán silphium, nhưng vẫn có một số lượng cây nhất định đã được buôn lậu cho người Carthage, và sau đó người Carthage cũng trở thành nhà cung cấp silphium ở một mức độ nào đó.
Nhưng theo thời gian, chỉ bảy thế kỷ sau khi loài thực vật được yêu thích này lần đầu tiên được ghi chép lại (theo một nhà biên niên sử, đó là vào năm 638 trước Công nguyên sau khi một "cơn mưa đen" rơi xuống) silphium đã bị xóa sổ khỏi bề mặt Trái Đất do tiêu thụ quá mức. Theo nhà văn La Mã Pliny the Elder, sau này chỉ có một thân cây được tìm thấy, và nó đã được tặng cho Hoàng đế La Mã Nero.
Loai cay da tuyet chung cach day 2.000 nam bat ngo quay tro lai 
Kể từ thời Trung cổ, nhiều nhà khoa học và nhà thực vật học lấy cảm hứng từ các tài liệu cổ để tìm kiếm dấu vết của cây silphium, loài đầu tiên được ghi nhận biến mất khỏi bề mặt hành tinh vì con người đã tiêu thụ quá mức, tuy nhiên tất cả những cuộc tìm kiếm đó đều không đạt được kết quả như mong đợi.
Nhưng liệu silphium có thực sự tuyệt chủng? Nhờ một cuộc gặp gỡ may mắn cách đây gần 40 năm, tiếp theo là nhiều thập kỷ nghiên cứu được tổng kết gần đây trên tạp chí MDPI Plants, một giáo sư tại Đại học Istanbul tin rằng ông đã phát hiện lại loài thực vật kỳ diệu bị lãng quên này. Nó được phát hiện ở nơi cất giữ cuối cùng cách một nghìn km từ nơi nó từng phát triển, National Geographic đưa tin.
Ở vùng Cappadocia của Thổ Nhĩ Kỳ, Mahmut Miski đã tìm thấy cái mà ông gọi là cánh đồng silphium, nơi có một mùi hương độc đáo lan tỏa trong không khí. Ông nói rằng không phải ngẫu nhiên mà một khi bạn đến gần cái cây, bạn sẽ trở nên nghiện nó.
Vào một ngày mùa xuân năm 1983, giáo sư và các đồng nghiệp của ông đang khám phá khu vực này và tìm thấy một loại cây cao bất thường. Và từ quan sát cũng nhưng tìm hiểu từ các nguồn ghi chép trước đó, ông biết rằng loài này đã từng được thu thập một lần trước đó, vào năm 1909, khi nó được đặt tên Latinh là Ferula drudeana.
Loai cay da tuyet chung cach day 2.000 nam bat ngo quay tro lai-Hinh-2 
Sau khi phân tích, nhóm nghiên cứu nhận ra rằng nó thực sự là một "mỏ vàng hóa học". Nó chứa một số chất có đặc tính chống ung thư, ngừa thai và chống viêm.
"Bạn tìm thấy các chất hóa học ở loài cây này tương tự như trong cây hương thảo, lá atisô, cây xô thơm và galbanum, một loại cây Ferula khác", giáo sư nói với National Geographic. "Nó giống như bạn kết hợp nửa tá cây thuốc quan trọng trong một loài duy nhất".
Mặc dù Ferula drudeana thực sự có tiềm năng chữa bệnh tốt, nhưng Miski chỉ quay trở lại khu vực này vào năm 2012 sau khi đọc về nó trong những cuốn sách cũ. Và đó cũng là lần đầu tiên ông trở nên nghi ngờ về loài cây này, liệu rằng nó có phải là loài cây đã tuyệt chủng cách đấy 2.000 năm?
Theo quan sát có thể thấy có rất nhiều điểm tương đồng giữa hai loài thực vật theo các mô tả cổ xưa, nhưng đó không phải là tất cả. Các tài liệu còn sót lại lưu ý rằng silphium luôn nở hoa đột ngột sau một trận mưa rào lớn - và theo Miski, loài thực vật mà ông quan sát được cũng phát triển rất lớn trong một tháng sau khi mùa mưa đến vào tháng tư.
Loai cay da tuyet chung cach day 2.000 nam bat ngo quay tro lai-Hinh-3
Trong thời cổ đại, silphium đã được chứng minh là loài cây chỉ mọc tự nhiên và không thể trồng trọt dưới bàn tay của con người. Hippocrates ghi lại hai nỗ lực để trồng trọt nó ở lục địa Hy Lạp, cả hai đều không thành công. Đây cũng là trường hợp của cây mà Miski phát hiện.
Kể từ đầu thế kỷ 19, ba loài thực vật khác cũng được cho là hậu duệ của cây silphium cổ đại, nhưng về mặt hình thái, Ferula drudeana là ứng cử viên có tiềm năng nhất, theo các chuyên gia khác. Trong thời cổ đại, silphium chất lượng tốt nhất được cho là đến từ một khu vực cụ thể của thành phố Cyrene, nơi ngày nay là Lybia, nằm cách nơi Miski hiện đang nghiên cứu một nghìn km - ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Một lời giải thích khả dĩ cho thực tế này là, từ thời cổ đại, con người có thể vận chuyển loài cây này đi rất xa và có thể là họ đã cố gắng bắt đầu trồng nó ở đó bất chấp những khó khăn.
Ferula drudeana cũng rất giống với silphium trên tiền xu do người Cyrenean phát hành, điều này cũng gợi ý rằng nó là một loài thực vật giống nhau.
Loai cay da tuyet chung cach day 2.000 nam bat ngo quay tro lai-Hinh-4
Về công dụng của nó, vấn đề cho đến nay là ở thời cổ đại, nó được sử dụng cho mọi thứ, từ đau răng, đau dạ dày đến hói đầu, động kinh, tránh thai, thậm chí cả vết bọ cạp đốt và vết chó cắn. Vì vậy, các nghiên cứu sâu hơn là cần thiết để xác định chính xác loài cây mới phát hiện này có thể làm được những gì.
Cách duy nhất để xác định Ferula drudeana và silphium có phải là cùng một loài hay không là nếu tàn tích của loài sau này được tìm thấy tại một địa điểm khảo cổ. Cơ hội của điều này xảy ra là tương đối nhỏ, và ngay cả khi nó xảy ra, thì có thể nó sẽ là tình cờ.
Vì sự phổ biến của silphium như một loại gia vị vào thời đó, hương vị của loại cây được phát hiện gần đây đã được thử nghiệm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo các báo cáo thì chỉ riêng mùi thôi cũng đã quyến rũ. Nhưng để khả thi về mặt thương mại, Ferula drudeana cần phải được biến thành một loại cây trồng, vì các nhà nghiên cứu sẽ không muốn mắc phải sai lầm giống như tổ tiên của chúng ta: ăn nó đến mức tuyệt chủng.
Theo Đức Khương/Phụ nữ Việt Nam