Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân không chỉ có thầy trò Đường Tăng cùng các thần tiên, yêu quái. Nổi tiếng không kém trong nguyên tác của Tây Du Ký là Thất Đại Thánh. Trong đó, Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không cũng chỉ là người đứng thứ tư mà thôi. Tất cả các vị thánh còn lại trong Thất Đại Thánh đều rất lợi hại. Họ bao gồm: Ngưu Ma Vương (Bình Nguyên Đại Thánh), Giao Ma Vương (Phúc Hải Đại Thánh), Bằng Ma Vương (Hỗn Thiên Đại Thánh), Sư Đà Vương (Di Sơn Đại Thánh), Di Hầu Vương (Thông Phong Đại Thánh), Ngu Nhung Vương (Khu Thần Đại Thánh), Mỹ Hầu Vương (Tề Thiên Đại Thánh).
Ảnh minh họa.
Lại nói, trong số Thất Đại Thánh, có 6 vị đủ bản lĩnh, trình độ khiến Tôn Ngộ Không nể phục nguyện làm tiểu đệ. 6 người đó là: Đại ca Ngưu Ma Vương, Nhị ca Giao Ma Vương, Tam ca Bằng Ma Vương, Tứ ca Sư Đà Vương, Ngũ ca Di Hầu Vương, Lục ca Ngu Nhung Vương. 6 người đó, chỉ có duy nhất Di hầu Vương là khỉ.
Vậy Di Hầu Vương là ai, bản lĩnh thế nào mà khiến Tôn Ngộ Không nể phục tôn làm huynh như vậy? Trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, Di Hầu Vương là một con khỉ Macaca. Đây là chi khỉ thuộc họ Khỉ cựu thế giới, hay họ Khỉ đuôi dài (Cercopithecidae).
Nhiều người nhầm lẫn Di Hầu Vương chính là Lục Nhĩ Di Hầu – kẻ giả dạng Tôn Ngộ Không, khiến cả Tam Giới hỗn loạn. Nhưng sự thật thì hoàn toàn khác. Di Hầu Vương đứng thứ 5 trong Thất Đại Thánh, người sở hữu năng lực vô cùng đáng gờm.
Tên gọi khác của Di Hầu Vương là Thông Phong Đại Thánh. Chữ “thông” trong cách gọi này là sự tinh thông mọi việc, chữ “phong” là chỉ hành tung của Di Hầu Vương thoắt ẩn thoắt hiện.
Ngoài phép thuật, vị thánh này còn có tài ăn nói khéo léo, khả năng ứng biến linh hoạt. Nhờ có đôi tai thính, mắt tinh, Di Hầu Vương có thể biết hết mọi chuyện trong thiên hạ. Khi chiến đấu, vị thánh này dùng chính sự am hiểu về đối thủ để hạ gục hắn.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại
Theo Sở Hữu Trí Tuệ và Sáng Tạo