Châu Phi khắc nghiệt là nơi sinh sống của những loài động vật nguy hiểm hàng đầu thế giới. Có những kẻ tuy kích thước khiêm tốn nhưng lại là nỗi kinh hoàng của người dân bản địa với khả năng đoạt mạng người chỉ trong tích tắc. Một trong những loài động vật khét tiếng bậc nhất lục địa nhiệt đới là rắn Mamba đen.
Tốc độ cao, nọc độc chết người cùng bản tính hung hăng là những đặc điểm khiến loài này được mệnh danh là loài rắn độc nguy hiểm nhất hành tinh.
Loài rắn sống trên cây và mặt đất trong các savan, rừng gỗ và các đồi đá thấp ở phía Đông châu Phi. Đây là loài rắn châu Phi dài nhất với kích thước có thể lên tới 4m, thông thường loài này chỉ dài từ 2-3m. Thân hình thon và mảnh mai nhưng sở hữu tốc độ trườn vượt trội, có thể lên tới 20km/h, là một trong những loài rắn nhanh nhất thế giới.
Loài rắn này có da màu nâu hoặc xanh xám. Cái tên Mamba đen thực chất xuất phát từ màu đen đặc như mực bao phủ bên trong khoang miệng trông như cỗ quan tài của loài rắn. Màu đen này chính là nỗi ám ảnh đối với con người bởi người ta chỉ có thể thấy con rắn há miệng trong một trường hợp duy nhất: Khi nó bị kích động.
Rắn Mamba đen trong tự nhiên khá nhút nhát và thường cố né tránh con người, tuy nhiên một khi bị đe dọa hay dồn vào góc thì lại trở nên hung hăng đến đáng sợ. Con rắn kích động sẽ ngẩng cao đầu, nhấc cổ và ⅓ chiều dài cơ thể khỏi mặt đất, há rộng khoang miệng để lộ màu đen chết chóc, báo hiệu một kết cục đau đớn nếu đối phương không nhanh chóng rời đi.
Nếu đe dọa không thành công, con rắn sẽ xông vào tấn công vô cùng thô bạo. Mamba đen không chỉ tấn công một lần mà liên tiếp và dồn dập để nhanh chóng kết liễu đối phương. Việc bỏ chạy hoàn toàn bất khả thi bởi loài rắn có thể cảm biến được nhiệt độ của kẻ địch và truy đuổi với tốc độ 20km/h.
Một khi đã trúng đòn của con rắn thì tỷ lệ sống sót hầu như rất thấp. Nọc độc của Mamba đen thuộc nhóm chất độc thần kinh neurotoxin với các chất dendrotoxin ngăn chặn trao đổi ion qua màng tế bào, chặn xung thần kinh, làm tê liệt tế bào thần kinh; alpha-neurotoxin chặn quá trình nhận acetylcholine của thụ thể của synapse, gây liệt; cardiotoxin ngăn chặn lan truyền điện thế, làm khử cực tim, ngưng tim; fasciculines phá hủy enzyme acetylcholinesterase, không cho phân hủy acetylcholine, gây co giật cơ; mambalgins gây tê, mất cảm giác.
Sau 10 - 15 phút sau khi bị cắn, nạn nhân sẽ bắt đầu có dấu hiệu nhiễm độc như lờ đờ, đắng miệng, sụp mí, đồng tử giãn, sau 45 phút, cơ thể hoàn toàn tê liệt, mất cảm giác nhưng vẫn còn ý thức, nếu không kịp thời hỗ trợ y tế và cho sử dụng thuốc giải độc nạn nhân sẽ tử vong.
Tại châu Phi việc cấp cứu nạn nhân bị rắn cắn kịp thời không hề dễ dàng do thiếu thốn trang thiết bị cũng như địa hình hiểm trở khó tiếp cận. Chính vì lý do này nên giới khoa học khuyến cáo người dân nên tránh xa khu vực sinh sống của loài rắn để bảo toàn tính mạng cho bản thân.
Theo Người Đưa Tin