Một vụ nổ Bắc Cực đã mang đến cái lạnh cực độ, tuyết dày và gió dữ dội trên khắp nước Mỹ — đúng vào dịp nghỉ lễ.
Hệ thống thời tiết được mệnh danh là “lốc xoáy bom” này đang làm gián đoạn hoạt động đi lại và gây ra các điều kiện nguy hiểm trên khắp nước Mỹ. 60% dân số Mỹ đang được cảnh báo thời tiết nguy hiểm mùa đông và ít nhất 21 người đã thiệt mạng trong trận bão đông, với nhiệt độ giảm nhanh xuống -45 độ C.
Vậy loại hình thời tiết mùa đông này đến từ đâu và điều gì sẽ xảy ra trong những ngày tới?
Vụ nổ Bắc Cực
Vụ nổ Bắc cực có những tên gọi khác có thể quen thuộc hơn như xoáy cực hoặc phương bắc xanh.
Trang International Business Times định nghĩa một vụ nổ Bắc Cực/xoáy cực là "một vùng áp suất thấp thường hình thành quanh Bắc Cực và Nam Cực, mạnh lên và suy yếu qua từng năm. Một vụ xoáy cực mạnh thường là một vùng lạnh được xác định rõ ràng, được chứa và bao quanh các vùng ở Bắc Cực".
Khi thời tiết thay đổi đột ngột và nhiệt độ giảm đột ngột, có thể dẫn đến một vụ nổ Bắc Cực. Trang AccuWeather định nghĩa đây là "một đợt lạnh mạnh được đánh dấu bằng sự giảm nhiệt độ đột ngột và mạnh mẽ."
Chuyện gì đang xảy ra
Một luồng không khí lạnh đang di chuyển xuống lãnh thổ Mỹ từ Bắc Cực, khiến nhiệt độ giảm mạnh. Bob Oravec, nhà dự báo chính của Cơ quan Thời tiết quốc gia (NWS) ở College Park, Maryland, cho biết phần lớn nước Mỹ sẽ có nhiệt độ dưới mức trung bình.
NWS dự báo nhiệt độ có thể giảm hơn 20 độ F (11 độ C) chỉ trong vài giờ. Nhiệt độ lạnh với gió rét có thể giảm xuống độ âm nguy hiểm, đủ để gây tê cóng trong vòng vài phút. Ở các vùng Đồng bằng Lớn, không khí lạnh có thể xuống thấp tới âm 57 độ C.
Theo NWS, những người dân ở vùng Đồng bằng Lớn, Thượng Trung Tây (Upper Midwest) và Hồ Lớn đã được cảnh báo về khả năng xảy ra bão tuyết do gió lớn thổi bay tuyết.
Những cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng
Ryan Maue, một nhà khí tượng học tư nhân ở khu vực Atlanta, cho biết khá nhiều người ở phía đông dãy núi Rocku - tức khoảng 2/3 diện tích đất nước - sẽ chứng kiến thời tiết khắc nghiệt.
Mặc dù phần lớn Bờ Tây sẽ được che chắn khỏi cái lạnh, khối lạnh Bắc Cực dự kiến sẽ đi qua phía đông và phía nam xuyên qua Florida.
Nhà dự báo thời tiết Oravec cho biết tuyết rơi dày và gió dữ dội có thể là tin xấu đối với du lịch hàng không. Và những người dự định lên đường trong kỳ nghỉ lễ "sẽ đối mặt tình trạng mất điện khá nghiêm trọng", chuyên gia Maue cảnh báo.
Lốc xoáy bom sẽ kéo dài bao lâu?
Judah Cohen, chuyên gia về bão mùa đông của tổ chức Nghiên cứu Môi trường Khí quyển, cho biết hệ thống thời tiết này dự kiến sẽ gây ra một số “cơn lốc thời tiết lớn”.
Cái lạnh sẽ không tồn tại lâu. Ông Cohen cho biết sau đợt giảm sâu khiến nhiệt độ ở mức thấp trong khoảng một tuần, “mọi thứ sẽ trở lại bình thường”.
Ngay sau Giáng sinh, nhiệt độ dự kiến sẽ bắt đầu ấm trở lại, di chuyển từ Tây sang Đông. Nền nhiệt có khả năng duy trì ở mức gần như bình thường cho đến cuối năm nay ở hầu hết Mỹ.
Tại sao lốc xoáy bom xảy ra?
Nguyên nhân bắt đầu xa hơn về phía Bắc, khi không khí lạnh giá tích tụ trên mặt đất phủ đầy tuyết ở Bắc Cực - theo chuyên gia Maue.
Sau đó, dòng phản lực - các luồng không khí dao động ở phần giữa và phần trên của bầu khí quyển - bắt đầu đẩy vùng "hồ lạnh" này xuống nước Mỹ
Khi khối không khí Bắc Cực bị đẩy vào vùng không khí ấm hơn, ẩm hơn phía trước nó, hệ thống có thể nhanh chóng phát triển thành hình thái thời tiết nghiêm trọng - bao gồm cả cái được gọi là “lốc xoáy bom” - một cơn bão phát triển nhanh trong đó áp suất khí quyển giảm rất nhanh trong 24 giờ .
Ông Maue cho biết những sự kiện thời tiết khắc nghiệt này thường hình thành trên các vùng nước có nhiều hơi ấm và độ ẩm để cung cấp năng lượng cho cơn bão. Nhưng với lượng không khí lạnh khổng lồ đi qua, chúng ta có thể thấy một cơn lốc xoáy bom hiếm hoi hình thành trên đất liền.
Hiện tượng này có bất thường không?
Cơn bão này chắc chắn là một cơn bão mạnh, nhưng “không phải là chưa từng xảy ra trong mùa đông", ông Oravec nói.
Không khí lạnh tích tụ vào mùa đông là điều khá bình thường. Tuy nhiên, trong tuần này, sự thay đổi của luồng phản lực đã đẩy không khí về phía đông nam nhiều hơn bình thường, quét sạch băng giá trên khắp đất nước và khiến điều kiện bão trở nên dữ dội hơn.
Chuyên gia Maue cho biết, nước Mỹ có thể sẽ không trải qua nền nhiệt thấp kỷ lục, giống như những gì đã thấy trong đợt lạnh giá năm 1983 hoặc cơn lốc cực năm 2014.
Tuy nhiên, “đối với hầu hết những người còn sống, đây sẽ là một sự kiện cực lạnh đáng nhớ, thuộc top 10", ông Maue nói.
Theo Thu Hằng/Báo Tin tức