Theo thông tin đăng tải trên Zing.vn, bắt đầu từ ngày 1-1, Đức sẽ áp dụng luật mới hà khắc hơn về kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội. Mức phạt tối đa có thể lên tới 60 triệu USD nếu bình luận bị đánh dấu vi phạm không được gỡ bỏ trong 24 giờ.
Quy định mới của Đức áp dụng cho nhiều trang mạng xã hội, gồm cả Facebook, Twitter và YouTube. Bất cứ trang mạng xã hội nào có hơn hai triệu tài khoản người dùng sẽ nằm trong phạm vi áp dụng của luật mới. Các trang thông dụng như Reddit, Tumblr, Vimeo, Flickr cũng nằm trong diện này.
Luật Netzwerkdurchsetzungsgesetz (NetzDG) được thông qua từ hè năm ngoái và có hiệu lực từ tháng 10-2017. Tuy nhiên, Đức gia hạn 2 tháng cho các công ty để tự điều chỉnh việc kiểm duyệt. Và như vậy, luật NetzDG mới chính thức được áp dụng từ 1-1 năm nay.
|
Facebook đối mặt với 2 cáo buộc tại Đức. |
Để đối phó với quy định nghiêm khắc hơn của chính quyền sở tại, nhiều trang mạng xã hội đã triển khai các biện pháp tình thế. Chẳng hạn, Facebook có thêm công cụ phát hiện tin tức giả mạo từ đầu năm 2017 tuy kết quả đạt được rất khiêm tốn.
Theo luật mới NetzDG, mức độ kiểm soát nội dung trên trang mạng xã hội được yêu cầu cao hơn nhiều. Các tổ chức nhân quyền lo ngại rằng điều này có thể dẫn tới kiểm duyệt khắt khe hơn, hạn chế tự do ngôn luận.
Liên quan đến vấn đề này, báo ANTĐ đưa tin, Giám đốc cơ quan cạnh tranh liên bang (FCO- Bundeskartellamt), Andreas Mundt cho biết: "Chúng tôi chỉ trích cách thức mà công ty (Facebook) thu thập và sử dụng các dữ liệu cá nhân như một hành vi lạm dụng sức manh thị trường".
Theo ông Mundt, thông tin của người dùng đã được Facebook thu thập một cách có hệ thống từ trang web riêng của mình, cũng như từ các nguồn thứ 3 như Instagram và Whatsapp, mà không để cho người dùng biết, cũng như không cho họ có cơ hội phản đối.
Cơ quan trên đã thông báo với Facebook về những mối quan ngại này từ trước ngày lễ Giáng sinh và sẽ chờ phản hồi chính thức của trang mạng xã hội này trước khi quyết định về khả năng có đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Facebook hay không.
Khả năng nhà chức trách Đức trừng phạt Facebook đã thu hút sự chú ý của dư luận trong bối cảnh các chính phủ nhiều nước châu Âu đang muốn hoạt động kinh doanh kỹ thuật số cần tuân thủ các quy định hiệu quả hơn.
Giới chức cấp cao tại châu Âu đã nhiều lần chỉ trích những hành vi mà họ cho rằng thuộc dạng trốn thuế, vi phạm luật riêng tư và lạm dụng sức mạnh thị trường của các "ông lớn" như Google, Facebook và Amazon.
Theo T.Quang/PL&XH