Những chiếc smartphone đắt đỏ như iPhone, Samsung Galaxy luôn đi kèm với chi phí cao "ngất ngưởng" khi thay đổi phụ kiện, đơn cử là màn hình.
Màn hình nứt, vỡ không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho người dùng mà còn có thể khiến chiếc điện thoại gặp nhiều vấn đề về phần cứng hơn so với nguyên bản.
Tuy nhiên, nguy cơ nứt vỡ màn hình có thể sẽ tiêu biến sau khi các nhà nghiên cứu hoàn thành nghiên cứu về loại vật liệu chống nứt, vỡ.
Một nghiên cứu quốc tế về thủy tinh do tiến sỹ Charles Le Losq thuộc viện Nghiên cứu Khoa học Trái Đất của trường đại học Quốc gia Úc (ANU) đang nghiên cứu về các vấn đề của khoa học trái đất và vật liệu. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã làm sáng tỏ vai trò quan trọng của các bể dung nham và núi lửa trong quá trình tiến hóa địa chất của trái đất.
|
Hợp chất silicat được đổ trên một tấm graphite để làm kính (hình ảnh đi kèm minh họa về màn hình điện thoại di động bị nứt vỡ). |
Không chỉ giới hạn trong lĩnh vực khoa học về trái đất, nghiên cứu có thể giúp cải tiến các sản phẩm thủy tinh.
Tiến sỹ Le Losq cho biết: “Mọi người đều biết cảm giác khó chịu như thế nào nếu điện thoại di động của bạn bị rơi và có một vết nứt lớn trên màn hình. Kính mà chúng tôi phân tích chủ yếu bao gồm nhôm và oxit silicon, cũng có thể chứa nhiều nguyên tố như natri, kali, canxi hoặc magie. Mỗi yếu tố đều ảnh hưởng đến sự linh hoạt và độ bền của thủy tinh. Bằng cách hiểu rõ mối liên hệ giữa các thành phần hóa học, cấu trúc và tính chất của thủy tinh, chúng ta có thể hy vọng sản xuất các sản phẩm tốt hơn cho các thiết bị cầm tay”. Quan trọng hơn nữa, với những kiến thức mới, các nhà khoa học có thể sử dụng để làm thay đổi cấu trúc của kính và cải thiện khả năng chịu đựng, chống các vết nứt.
Theo Minh Thư/Doisongphapluat