Nghiên cứu của các khoa học tới từ Tổ chức Khoa học và nghiên cứu công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO), Đại học Macquarie và Đại học James Cook phân tích hành vi của rắn biển olive từ dữ liệu thu thập từ những năm 1990.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hầu các cuộc chạm trán giữa thợ lặn và rắn biển đều liên quan tới rắn đực mùa giao phối.
Từ đây, họ kết luận những con rắn biển olive đực nhầm lẫn con người với rắn cái và hành động tấn công của chúng đơn giản chỉ là hoạt động tán tỉnh.
Đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư Ross Alford cho biết gốc rễ của vấn đề là do rắn đực khao khát được con cái chú ý. "Những con cái dành nhiều thời gian hơn ở các đám san hô vì chúng không muốn bị tán tỉnh quá nhiều. Rắn cái thường trốn tránh rắn đực. Nó chỉ thỉnh thoảng chồm lên để hít thở không khí", ông Alford cho biết.
Trong khi đó, lũ rắn đực lại cực kỳ thèm khát sự chú ý của con cái. Trong mùa giao phối, chúng thường "tuần tra" vùng nước phía trên rạn san hô. Khi thấy có con cái, chúng sẽ cố gắng tán tỉnh. "Con cái" mà rắn đực olive nhắm tới đôi khi bị nhầm lẫn với các thợ lặn. Vấn đề này trở nên trầm trọng hơn do thị lực kém của loài rắn.
"Lũ rắn đực tâm niệm rằng: Này có thứ gì đó ở kia, mình nên đi kiểm tra xem đó có phải là rắn cái không. Chúng sẽ tiếp cận các thợ lặn, thè lưỡi ra. Nếu một thợ lặn đứng yên và không di chuyển, con rắn sẽ bỏ đi vì nhận ra đó không phải là rắn cái", ông Alford nói thêm.
Do rắn biển olive được mệnh danh là "sát thủ" nguy hiểm bậc nhất của đại dương với cú cắn tiết ra lượng nọc độc có thể giết chết 20 người trưởng thành, các chuyên gia khuyến cáo thợ lặn nên "nằm yên" và để lũ rắn tự đánh giá nếu không may chạm trán với chúng.
"Đừng hoảng sợ, hãy nằm yên, đừng tấn công con rắn. Nó sẽ kiểm tra bạn rồi rời đi", ông Alford cho hay.
Theo DIỆU HOA/ VTC