Lạm phát là cơn ác mộng tồi tệ nhất có thể xảy ra với nền kinh tế của một quốc gia. Venezuela đang trải qua giai đoạn mà đồng tiền mất giá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chi tiêu trung bình của công dân nước này. Theo đó, thị trường điện thoại thông minh cũng bị ảnh hưởng.
Khi điện thoại trở thành một phần thiết yếu, việc không có điều kiện nâng cấp thiết bị sẽ làm cuộc sống khó khăn hơn. Người dùng Venezuela buộc phải sử dụng các bản ROM như Lineage OS để kéo dài khả năng nhận cập nhật của máy.
|
Cửa hàng di động ở Venezuela vẫn có đầy đủ điện thoại từ tầm trung đến cao cấp. Ảnh: XDA. |
Lương cơ bản cho một người Venezuela vào mức 40.000 bolivar, tương đương 4 USD, mỗi tháng. Nếu một người lao động muốn sở hữu điện thoại giá rẻ như Xiaomi Redmi Go, anh ta phải tiết kiệm trong khoảng 21-30 tháng, chưa kể đến các nhu cầu mua sắm cá nhân khác.
Tuy vậy, một số công ty xuyên quốc gia vẫn sẽ trả mức lương cao hơn. Bên cạnh đó, cộng đồng “Venezuela kiều” cũng thường xuyên gửi tiền để thân nhân chi tiêu hàng tháng hoặc hàng tuần.
Để mua điện thoại, khu vực Đại lộ Sabana Grande ở phía đông thành phố Caracas sẽ là lựa chọn phù hợp nhất. Các trung tâm mua sắm ở đây có nhiều dòng điện thoại, từ tầm trung đến cao cấp như Samsung Galaxy S10+ hoặc iPhone XS Max.
Với tình trạng lạm phát hiện tại, các cửa hàng buộc phải đa dạng hoá phương thức thanh toán, dùng nhiều loại tiền quốc tế, chấp nhận chuyển khoản hoặc sử dụng Paypal.
Trong trường hợp muốn đặt mua điện thoại từ nước ngoài, đa số đơn hàng sẽ được vận chuyển nhờ dịch vụ bưu chính Venezuela. Song với tình trạng khủng hoảng hiện tại, nguy cơ các thiết bị này “mất tích không lý do” là rất cao.
Những công ty vận chuyển lớn như FedEx hay DHL là lựa chọn an toàn hơn do có văn phòng và xe tải giao hàng riêng. Nhưng gần đây, một vấn đề mới lại xuất hiện: Chính phủ Mỹ ban hành lệnh cấm vận, ngăn hàng hoá nhập khẩu vào Venezuela.
Tuy nhiên, không khó để lách luật. Lệnh cấm vận chỉ hạn chế hàng hoá nhập khẩu thẳng từ Mỹ vào Venezuela, trong khi những chuyến bay vận chuyển có quá cảnh lại không bị ảnh hưởng. Như vậy, bạn có thể đặt hàng ở Mỹ, nhờ người bán gửi máy sang quốc gia khác và từ đó đi vào Venezuela.
Dù vậy, đa số người dùng Venezuela vẫn không đủ chi phí nâng cấp thiết bị. Họ mắc kẹt với những điện thoại Samsung, LG hay BLU chạy Android Lollipop, thậm chí là Ice Cream Sandwich từ nhiều năm trước.
Ngoài ra, ở Venezuela còn phổ biến các mẫu điện thoại Orinoquia Auyantepui Y221 và Orinoquia Bucare Y330 do chính phủ phát hành. Sản xuất dựa trên Huawei Ascend Y210/Y330, những máy này đã khá cũ khi chỉ sử dụng chip MediaTek MT6572, RAM 512 MB và chạy Android 4.2 với giao diện MIUI.
Một trong những giải pháp tình thế là sử dụng ROM tuỳ biến. Nhiều người đã tìm đến diễn đàn XDA-Developers để root và cài đặt ROM mới. Theo trang thống kê của Lineage OS, chỉ riêng ở Venezuela đã có hơn 5.700 lượt cài đặt.
Trở thành người dùng Android ở Venezuela là một trải nghiệm kỳ lạ. Trong khi đất nước Mỹ Latin này đang gồng mình chịu cuộc khủng hoảng kinh tế, hệ sinh thái Android vẫn phát triển đáng kinh ngạc.
|
Mẫu Galaxy Note 7 Samsung từng thu hồi hiện vẫn được bày bán ở Venezuela. Ảnh: XDA. |
Android và điện thoại thông minh cũng trở thành công cụ không thể thiếu nhờ đáp ứng nhu cầu giao tiếp cơ bản (WhatsApp, Telegram). Trong bối cảnh nền kinh tế đang lạm phát không tưởng, các dịch vụ thanh toán điện tử cũng trở thành cứu cánh tạm thời.
Khi sống ở một quốc gia như Venezuela, cách dễ dàng nhất để tiếp cận với công nghệ mới là tại quầy trưng bày của các cửa hàng, hoặc qua YouTube. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn bị bỏ lại về phần mềm.
Các nhà phát hành ROM đang thực hiện nhiệm vụ cao cả: Giữ cho những quốc gia bị khủng hoảng tiếp cận với bản cập nhật mới và tốt nhất của Android.
Theo Hữu Chiến/Zing News