NASA có kế hoạch khám phá ngôi sao gần hệ Mặt Trời nhất

Google News

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang chuẩn bị cho nhiệm vụ liên sao đầu tiên - chuyến bay đến hệ thống sao gần Trái đất nhất Alpha Centauri.

Các nhà khoa học tại Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang lên kế hoạch sơ bộ cho nhiệm vụ du hành liên sao lần đầu tiên. Họ muốn phóng một tàu thăm dò vũ trụ không người lái tới những hành tinh ở hệ thống sao gần Trái Đất nhất mang tên Alpha Centauri vào năm 2069, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày tàu Apollo 11 hạ cánh xuống Mặt Trăng.
Alpha Centauri là một hệ gồm ba ngôi sao. Các nhà thiên văn học đã phát hiện thấy ba ngoại hành tinh thuộc hệ thống sao này và tin rằng vẫn còn thêm nhiều hành tinh khác nữa chưa được biết đến.
Centauri A và B là hai trong số ba ngôi sao thuộc hệ thống Alpha Centauri, hàng xóm gần nhất của Trái Đất. Ảnh: NASA. 
Với một chuyến bay hành trình kéo dài 44 năm, tàu thăm dò sẽ không thể tới Alpha Centauri cho đến tận thế kỷ sau. Mặc dù các kế hoạch mới chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu, nhưng nhóm nghiên cứu của NASA đã đưa ra một số ý tưởng cụ thể, Anthony Freeman - chuyên gia tại JPL - phát biểu trong hội nghị Liên bang Địa vật lý Mỹ năm 2017.
Các nhà khoa học và kỹ sư hàng không vũ trụ đang tìm cách phát triển những công nghệ mới giúp cho tàu thăm dò có thể đạt vận tốc bằng 10% của ánh sáng. Những con tàu thế hệ mới như vậy có thể chạy bằng năng lượng từ các chùm tia laser hay động cơ đẩy hạt nhân, hay nhờ sự va chạm giữa các hạt vật chất và phản vật chất.
Thậm chí, ngay cả khi tàu vũ trụ có thể đạt vận tốc bằng 10% ánh sáng, NASA sẽ cần đến cả nửa thế kỷ để bay tới hệ thống sao Alpha Centauri nằm cách Mặt Trời khoảng 4,37 năm ánh sáng.
Theo Quốc Hùng/Khoa học Phát triển