Trước đó, các nhà nghiên cứu thiên văn dự kiến vào năm 2022 sẽ thực hiện việc xem xét các thông số kỹ thuật nhằm mục đích làm chệch hướng tiểu hành tinh này. Tuy nhiên, “trước tình hình ngày một nghiêm trọng, có lẽ cần sớm điều chỉnh kế hoạch theo hướng chủ động điều khiển tàu vũ trụ DART của NASA đâm vào tiểu hành tinh Didymoss” - Phát ngôn viên của NASA cho biết.
|
Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ châu Âu (ESA) đang nghiên cứu vị trí va chạm và tìm hiểu hướng đi mới của tiểu hành tinh. Ảnh: Sputnik. |
Theo nhà vật lý thiên văn Brian May (tại ESA) thì sự lo lắng đó là không thừa vì tiểu hành tinh này đủ lớn để phá hủy một thành phố khi nó va chạm với Trái đất. Giám đốc điều hành của SpaceX- ông Elon Musk đã thừa nhận rằng Trái đất đã không có sự bảo vệ nào nhằm chống lại các mối đe dọa do các tiểu hành tinh gây ra. Các vật thể đá được gọi là tiểu hành tinh bị hút về Trái đất do lực hấp dẫn, có thể mang lại sóng thần, sóng xung kích thảm khốc. Ngay cả khi chúng nổ tung trong bầu khí quyển, kết quả vẫn có thể gây ảnh rất xấu đến Trái đất - giới chuyên gia nhận định. Chẳng hạn, thiên thạch Chelyabinsk phát nổ bên trên TP Ural- Nga vào năm 2013. Mặc dù nó chỉ rộng 20m và không gây tử vong nhưng sóng xung kích từ vụ nổ này khiến 1.500 người bị thương và hàng ngàn ngôi nhà bị hư hại.
Công cuộc tìm kiếm “siêu Trái đất” ngoài hệ Mặt trời cũng đồng thời là việc tìm cách ngăn chặn tiểu hành tinh “lạ” có thể gây nguy hại cho Trái đất được NASA và ESA hợp tác đã hơn 30 năm; được coi là “Sứ mệnh săn hành tinh”. Chỉ tính từ tháng 11/2018 đến tháng 1/2019, họ đã phát hiện 3 hành tinh và 6 siêu tân tinh nằm ngoài hệ Mặt trời.
Trước đó, bắt đầu hoạt động vào tháng 7/2018, dự án Vệ tinh Khảo sát ngoài hành tinh (TESS) - do Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) dẫn đầu, đã phát hiện 2 hành tinh Pi Mensae (được mô tả là một “siêu Trái đất” có chu kỳ quay quanh ngôi sao trung tâm là 6 ngày) và LHS 3844b (hành tinh sỏi đá với quỹ đạo chỉ 11 giờ). Còn phát hiện gần đây nhất của TESS là ngoại hành tinh HD 21749b trong chòm sao Võng Cổ, cách Trái đất 53 năm ánh sáng. Theo trang Independent (Anh), HD 21749b quay quanh một sao lùn với chu kỳ quỹ đạo 36 ngày và có nhiệt độ bề mặt chỉ khoảng 148 độ C.
Đây được xem là phát hiện quan trọng để các nhà khoa học tìm hiểu về những hành tinh tương đối nhỏ và có nhiệt độ ôn hòa. Bà Diana Dragomir- nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu vật lý học thiên thể và vũ trụ Kavli thuộc MIT và là người dẫn đầu khám phá mới này, cho biết: “HD 21749b là hành tinh nhỏ nhất xoay quanh một ngôi sao trung tâm mà chúng tôi từng được biết. Thật may mắn khi phát hiện HD 21749b, giờ đây các nhà khoa học có thể nghiên cứu chi tiết hơn”.
Tuy thế thì so với Trái đất, HD 21749b lớn gấp gần 23 lần và nhiều khả năng là một hành tinh khí hơn là đất đá. Các nhà khoa học đã công bố về ngoại hành tinh đặc biệt này tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Thiên văn Mỹ tại TP Seattle từ ngày 6 đến ngày 10/1/2019.
Tới nay, giới thiên văn học cho rằng có ít nhất 4 tiểu hành tinh đang đe dọa Trái đất. Tiểu hành tinh đầu tiên (1979 XB) có đường kính 900 mét, nếu tảng đá khổng lồ này va vào hành tinh của chúng ta, tác động sẽ rất lớn. Nó hiện đang đi qua hệ Mặt trời với tốc độ gần 70.000 km/h và đang tiến gần Trái đất gần 30 km mỗi giây. Nó được dự đoán va vào Trái đất giữa thế kỷ này. Hành tinh thứ hai là Apophis, có kích thước bằng 4 sân bóng đá, hiện cách Trái đất hơn 200 triệu km nhưng, mỗi giây nó tiến lại gần 500 m. Nếu Apophis va vào Trái đất, tác động của vụ nổ được tính toán tương tự với khoảng 15.000 vũ khí hạt nhân phát nổ cùng một lúc. Tiểu hành tinh thứ 3 (RF12) hiện cách Trái đất khoảng 215 triệu km và đang di chuyển với tốc độ 117.935 km/h. Dự kiến nó sẽ ngang qua Trái đất vào ngày 13/8/2022. Cuối cùng là tiểu hành tinh SG344, dự đoán sẽ có thể va vào Trái đất trong vòng 35 năm tới. SG344 hiện đang đi xuyên vũ trụ với tốc độ hơn 112.000 km/h và đang tiến gần Trái đất với tốc độ 1,3 km mỗi giây.
Theo Ngọc Mai/daidoanket.vn