Solar Orbiter - tàu nghiên cứu Mặt Trời do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và NASA vận hành mới chụp được khoảnh khắc quả cầu lửa khổng lồ bằng plasma có độ lớn và sức mạnh đáng kinh ngạc được khai hỏa từ một vết đen Mặt trời vào ngày 5/9. Sự việc này được gọi là vụ phun trào nhật hoa (CME).
Theo các chuyên gia, quả cầu lửa khổng lồ đó không ảnh hưởng đến Trái đất. Thay vào đó, nó tác động đến sao Kim. Các nhà nghiên cứu nhận định sao Kim có thể đang hứng chịu một đợt thời tiết không gian cực đoan do sự việc này gây ra.
Vụ phun trào nhật hoa (CME) là sự bùng nổ các hạt tích điện từ lớp khí quyển trên cao hay vành nhật hoa của Mặt trời. Ngay sau đó, luồng vật chất lan đến Solar Orbiter khi tàu vũ trụ này đang chuẩn bị cho chuyến bay qua sát sao Kim.
Do được thiết kế để đo loại phun trào dữ dội này nên Solar Orbiter có thể chống chọi với đợt tấn công mà không bị hư hại gì.
|
Hình ảnh quả cầu lửa khổng lồ bằng plasma được khai hỏa từ một vết đen Mặt trời xảy ra ngày 5/9. Ảnh: NASA/STEREO. |
Đây là CME thứ 2 đâm vào Sao Kim chỉ trong 1 tuần. Trước đó, sự việc tương tự được ghi nhận xảy ra vào ngày 30/8.
Mặc dù vụ phun trào nhật hoa (CME) lần này không ảnh hưởng tới Trái đất nhưng các chuyên gia xem đó là lời cảnh báo. Nguyên do là bởi bất kỳ lúc nào một quả cầu lửa tương tự cũng có thể vô tình được giải phóng từ một "họng súng" đang hướng về phía Trái đất.
Trong trường hợp các quả cầu lửa, pháo sáng từ Mặt trời "tấn công" Trái đất thì sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng như: hệ thống định vị nhiễu loạn, mất điện vô tuyến sóng ngắn, hỏng hoặc rơi vệ tinh, thậm chí là làm sập lưới điện.
Mời độc giả xem video: Những bức ảnh cận cảnh mặt trời nhất được công bố. Nguồn: THĐT1.
Tâm Anh (theo Space, Live Science)