Trong đoạn video, có thể thấy rằng sư tử thực sự là những tay thợ săn cừ khôi, khi biết tận dụng lợi thế số đông và địa hình để khiến đối thủ gặp khó khăn.
Nó lợi dụng những tảng đá trên đồng cỏ hoang để làm nơi ẩn náu, từ đó khiến mẹ con trâu rừng như rơi vào "trận địa mai phục". Mục tiêu của sư tử là con nghé non mới sinh, vì nó là miếng mồi béo bở, lại không thể phản kháng.
Trong một phân cảnh, sư tử rình rập từ phía sau, đã đánh lừa được trâu mẹ, rồi chộp được vào gáy nghé con. Tưởng như đã có thể kết liễu được con mồi, song trâu mẹ đã kịp thời nhận ra ý đồ của kẻ địch, nên lập tức quay đầu lại để cứu con.
Nếu như chỉ chậm một chút thôi, sư tử có lẽ đã kéo được nghé con về phía sau những tảng đá, và thành công trong chuyến đi săn của mình. Nhưng trâu mẹ quyết không để nó thực hiện ý đồ. Nó lao tới với cặp sừng sắc nhọn, khiến sư tử kinh hãi mà bỏ chạy.
Sau một hồi giằng co, hai mẹ con trâu rừng cuối cùng đã bảo toàn được mạng sống nhờ sự tỉnh táo và cảnh giác cao độ, để rồi trở về với bầy đang ăn cỏ ở gần đó.
Ở châu Phi, trâu rừng và sư tử là 2 loài có mối quan hệ mật thiết, với việc trâu là con mồi chính của sư tử, còn sư tử là thiên địch lớn nhất của trâu.
Thông thường phải có nhiều con sư tử hợp sức với nhau mới quật ngã được một con trâu trưởng thành, do đó sư tử thường ngắm tới những mục tiêu dễ dàng như nghé con chưa trưởng thành, hay những con trâu già, trâu bị thương.
Tuy nhiên, tập tính bầy đàn của cả trâu và sư tử thường là nguyên nhân dẫn tới những màn kịch chiến khi sư tử không buông bỏ con mồi, còn trâu cũng không dễ dàng từ bỏ giúp đỡ đồng loại.
Một sự hiểu lầm rất lớn là khi cho rằng trâu rừng là giống loài hiền lành. Thay vào đó, mặc dù ăn cỏ, nhưng trâu rừng lại được coi như một loài động vật nguy hiểm vì bản tính khó lường của chúng.
Đôi khi, các báo cáo cho biết trâu rừng là loài vật gây nên cái chết của nhiều người hơn bất kỳ loài động vật nào khác ở châu Phi, thậm chí là cả cá sấu và hà mã.
Theo Minh Khôi/Dantri