"Nghĩa địa thiên thạch" ở sa mạc chết chóc nhất thế giới

Google News

Các nhà khoa học vừa phát hiện ra sa mạc Atacama – nơi khô cằn nhất trái đất – từng là tâm điểm tấn công của hàng trăm thiên thạch cổ xưa.

Nhóm khoa học gia từ Đại học Aix-Marseille (Pháp) vừa công bố một nghiên cứu được giới chuyên môn được đánh giá là phi thường: tìm thấy tổng cộng 388 thiên thạch thuộc vào loại cổ xưa nhất Trái đất.
Một trong các thiên thạch được tìm thấy tại Atacama - (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp). 
Đáng ngạc nhiên, bộ sưu tập thiên thạch khổng lồ này đều đến từ cùng một nơi, đó là sa mạc Atacama, thuộc địa phận Chile. Sa mạc Nam Mỹ này nổi tiếng là nơi khô cằn nhất hành tinh và đã hình thành từ hơn 10-15 triệu năm về trước.
Ước tính tuổi trung bình của các thiên thạch là 710.000 năm, trong đó gần 1/3 già hơn 1 triệu tuổi và 2 tảng hơn 2 triệu tuổi. Chúng chủ yếu làm từ đá và khoáng chất hạt.
Các bước nghiên cứu cho thấy có một nhóm thiên thạch đặc biệt giàu sắt, là những viên đá không gian rơi xuống Atacama trong khoảng 1 triệu đến nửa triệu năm về trước. Thành phần của chúng khác với các thiên thạch rơi xuống trước hoặc sau đó. Có thể chúng cùng bắt nguồn từ một vật thể bí ẩn, bị va chạm và vỡ ra ở vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc. Sự kiện bí ẩn, cổ xưa và xa xôi đó đủ mạnh để bắn hàng loạt thiên thạch đến tận Trái đất.
Sa mạc Atacama khô cằn nhất thế giới - (ảnh: SHUTTERSTOCK). 
Việc quá nhiều thiên thạch tập trung cùng một chỗ được đánh giá là đặc biệt, bởi các ước tính trước đó cho thấy trung bình mỗi 2 triệu năm chỉ có tổng cộng 222 thiên thạch đến với chúng ta. Nhưng riêng con số tìm thấy tại Atacama trong 2 triệu năm đã gần gấp đôi.
Hiện nhóm nghiên cứu đang tiến tới những phân tích chuyên sâu hơn. Bởi lẽ, những vật thể cổ xưa từ không gian bao giờ cũng hứa hẹn những bí mật thú vị về nguồn gốc Hệ Mặt trời cổ xưa, và có thể nguồn gốc của chính chúng ta.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Geology.
Theo NLĐ