Nằm trên núi Ochi thuộc đảo Evia, ngôi làng kỳ lạ Antia ở Hy Lạp không có khách sạn, không có đường xe bus, không có wifi. Hàng nghìn năm nay, người dân nơi đây sống bằng nghề chăn cừu. Tuy nhiên, điều đặc biệt là truyền thống giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ huýt sáo.
Mỗi điệu huýt sáo là một ký tự trong bảng chữ cái và khi đặt chúng theo thứ tự sẽ tạo thành một từ. Với cách này, người dân làng có thể nói chuyện và hiểu ý cần diễn đạt. Trẻ em sẽ được học ngôn ngữ đặc biệt này từ 5-6 tuổi.
|
Panagiotis Bournousouzis, 31 tuổi, là một trong những người trẻ ít ỏi còn biết ngôn ngữ truyền thống này. Ảnh: Stuff. |
Kiểu ngôn ngữ giao tiếp thú vị này được cho là có từ thời Hy Lạp cổ đại. Có người cho rằng cư dân Antia học kỹ năng ngôn ngữ đặc biệt này từ những người lính Ba Tư canh gác tù nhân ở khu vực Karystos. Sau khi thất bại trong trận Salamis, quân lính Ba Tư đã bỏ sang vùng Antia để trốn. Họ sống cùng và dần dần đồng hóa cư dân địa phương.
Năm 1969, ngôn ngữ này được báo chí đưa tin, sau khi nhóm cứu hộ tìm kiếm phi công mất tích do máy bay rơi ở Antia nghe được âm thanh độc đáo ở ngôi làng.
Theo BBC, ngôn ngữ huýt sáo có tên là "Sfyria". Đây là kiểu ngôn ngữ hiếm gặp và ít người sử dụng trên thế giới, có thể là hình thức bí ẩn để giao tiếp ở khoảng cách xa. Trong 2.000 năm qua, chỉ những người sống ở làng mới có thể nghe và hiểu được kiểu ngôn ngữ này.
Trong vài thập niên trở lại đây, dân số của Antia giảm từ 250 người còn 37 người, nhiều người già bị rụng răng nên không thể tạo ra âm thanh rõ ràng khi huýt sáo. Đến nay, chỉ còn 6 người ở làng Antia có thể huýt sáo để giao tiếp.
Dimitra Hengen, nhà ngôn ngữ học người Hy Lạp cho hay "Sfyria" thực chất là phiên bản huýt sáo của tiếng Hy Lạp, trong đó các chữ cái và âm tiết tương ứng với âm thanh, tần số khác nhau. Tiếng huýt sáo có thể truyền đi xa 4 km, gấp 10 lần so với tiếng la hét.
Theo Quang Minh/Zing News