UBND TP.HCM vừa thông qua đề án “Mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020”, trong đó quan trọng nhất là ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát được nguồn gốc của thịt heo sạch mọi lúc, mọi nơi.
Đạo đức của người kinh doanh vẫn là quan trọng nhất
Hội Công nghệ cao TP.HCM là đơn vị được lãnh đạo TP giao nghiên cứu, triển khai công nghệ kiểm tra thịt sạch bằng smartphone. Giải pháp này sẽ được tích hợp rất nhiều công nghệ khác nhau.
Toàn bộ thịt heo được quản lý bởi công nghệ ứng dụng này sẽ được dán bằng một con tem. Người tiêu dùng có thể dùng phần mềm quét mã vách trên điện thoại thông minh, thì sẽ có thể truy xuất được nguồn gốc mà miếng thịt heo mình đã mua.
|
Dự kiến vài tháng nữa, người dân sẽ truy xuất được nguồn gốc thịt heo bằng smartphone. |
Mỗi miếng thịt heo này sẽ được thông tin nguồn gốc rõ ràng, kể cả giai đoạn bắt đầu thẻ heo giống, quá trình chăm sóc, xuất chuồng và ngày được cán bộ kiểm dịch, kể heo được mổ ở lò nào cũng được thể hiện.
Theo Sở Công thương TP.HCM, dự kiến, đề án này sẽ bắt đầu thực hiện trong tháng 11 hay 12 sắp tới. Cho tới nay, ngay sau khi UBND TP.HCM phê duyệt thực hiện, hiện các cơ quan chức năng vẫn đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng, trước khi đưa vào thực hiện.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều tiểu thương cho rằng, lấy gì đảm bảo miếng thịt từ trại chăn nuôi cho tới tay người tiêu dùng, là đảm bảo miếng thịt sạch?
Ông Lê Hoàng Hòa – Trưởng Ban quản lý chợ Đa Kao, Q.1, TP.HCM cho biết, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải luôn đảm bảo thịt heo là nguồn gốc thịt heo sạch. Tuyệt đối không để heo có nguồn gốc trôi nổi ở lò giết mổ lậu tràn vào. Quan trọng nhất là phải truy xuất được nguồn gốc của thịt heo từ khâu vận chuyển, đi tới lò giết mổ heo.
Bà Trần Thị Tuyết Trinh – một tiểu thương bán thịt heo ở chợ Hòa Hưng, Q.10, TP.HCM thì lại cho rằng, sử dụng công nghệ trong việc truy xuất nguồn gốc của thịt heo muốn được thực hiện có hiệu quả, thì trước hết cần phải tuyên truyền sâu rộng, phổ biến các kiến thức của pháp luật.
Truy xuất nguồn gốc thịt heo: Bảo vệ người kinh doanh chân chính
Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó GĐ Sở Công thương TP.HCM đề án này khi triển khai sẽ bảo vệ những người kinh doanh chân chính. Trước mắt sẽ triển khai thí điểm tại 12 lò giết mổ tập trung, 2 chợ đầu mối của TP.HCM là Bình Điền, Hóc Môn cùng với 5 chợ chính là Bến Thành, Hòa Bình, Bàu Cát, Thái Bình, An Đông.
Các chuỗi siêu thị lớn có mặt trên địa bàn TP.HCM là Coopmart, Satra, Vissan, Sagrifoods cũng sẽ tham gia chương trình thí điểm này. Nếu thử nghiệm thành công, TP.HCM cũng sẽ có thể thí điểm trên cả rau củ quả trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, mục tiêu của đề án này là nhằm để cho người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cùng nhận biết, truy xuất được nguồn gốc của thịt heo, công bố rõ ràng, rộng rãi những địa điểm tham gia đề án này để người tiêu dùng biết, đến mua.
Ngoài ra, đề án này cũng sẽ hạn chế tối đa nhất sử dụng các phương pháp thủ công để truy xuất nguồn gốc thịt heo, mà phải áp dụng bằng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại.
Heo ở trang trại sẽ được gắn vòng nhận diện, có chip theo dõi rõ ràng, ra tới thị trường sẽ có tem dán trên thịt. Người tiêu dùng chỉ với chiếc điện thoại thông minh đang sử dụng, cũng có thể truy xuất nguồn gốc, biết được đây là thịt heo sạch hay bẩn. Thông tin này sẽ được lưu trữ tại hệ thống trong vòng 10 năm.
Các hình thức nhốt heo để bơm nước, giết mổ rồi bán ra thị trường cũng sẽ dễ dàng bị phát hiện. Nếu tiểu thương nào vi phạm, cơ quan chức năng sẽ đưa vào danh sách ‘đen’, xử lý nghiêm.
Mỗi con tem dán vào miếng thịt sẽ có mã vạch riêng, tương ứng với từng chợ áp dụng. Cơ quan phát hành tem này sẽ chịu trách nhiệm quản lý con tem bảo mật nhất. Các tiểu thương tham gia đề án cũng phải ký cam kết không bán heo không rõ nguồn gốc, không sử dụng tem giả.
TP.HCM cam kết sẽ hỗ trợ tối đa các tiểu thương, hộ kinh doanh tham gia vào đề án này. Các chi phí để truy xuất nguồn gốc cũng sẽ không làm tăng giá thịt heo lên không quá 200 đồng/kg.
Theo Hà Trang/VietQ