Người Việt đầu tiên làm viện sĩ Viện Hàn lâm châu Âu

Google News

Với việc được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm châu Âu, GS Nguyễn Thị Kim Thanh trở thành người Việt Nam đầu tiên tham gia tổ chức khoa học danh tiếng này.

“Thật tuyệt vời khi được hòa nhập với những bộ óc vĩ đại không chỉ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, toán, y học, mà còn cả nhân văn, luật, kinh tế, xã hội và khoa học xã hội chính trị. Chúng ta cần nỗ lực tập thể để giải quyết những thách thức quốc tế to lớn đang phải đối mặt hôm nay và trong tương lai”, GS Nguyễn Thị Kim Thanh chia sẻ.
Nguoi Viet dau tien lam vien si Vien Han lam chau Au
 Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh dự lễ trao giải thưởng "Người phụ nữ xuất sắc trong lĩnh vực hóa học hoặc kỹ thuật hóa học năm 2023" của IUPAC tháng 8/2023 tại Den Haag, Hà Lan. Ảnh: TTXVN.
“Thật tuyệt vời khi được hòa nhập với những bộ óc vĩ đại”
Cuối tháng 4/2024, GS Nguyễn Thị Kim Thanh - làm việc tại University College London - UCL (Vương quốc Anh) - được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm châu u (Academia Europaea - AE).
GS Kim Thanh cho hay, bà rất vui và tự hào. Đây là sự ghi nhận đối với những thành tựu nghiên cứu, giảng dạy và cố gắng, đóng góp của bà và đồng nghiệp, cộng tác viên trong việc phổ biến kiến thức, đam mê nghiên cứu khoa học cho cộng đồng.
Nguoi Viet dau tien lam vien si Vien Han lam chau Au-Hinh-2
 Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh giảng bài trong chương trình thuyết giảng khoa học lâu đời và nổi tiếng thế giới Friday Evening Discourses (FED) của Viện Hoàng gia Vương quốc Anh (Ri).
 
Viện Hàn lâm châu Âu được thành lập năm 1988, là tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động như một Viện khoa học và nhân văn toàn châu Âu. Thành viên của Viện gồm hơn 5.500 nhà khoa học nổi tiếng, đến từ các quốc gia châu Âu và thuộc nhiều ngành, quốc tịch và khu vực địa lý. Trong đó, 72 người đoạt giải Nobel.
Mục tiêu hoạt động của Viện là thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phổ biến những thành tựu học thuật xuất sắc về nhân văn, luật, kinh tế, xã hội và khoa học chính trị, toán học, y học và những ngành khoa học tự nhiên, công nghệ trên thế giới. Bên cạnh đó, một trong những sứ mệnh cốt lõi của Viện là thúc đẩy sự tiến bộ của giáo dục công cộng bao trùm mọi lứa tuổi trong các môn khoa học.
Để trở thành viện sĩ của Viện Hàn lâm châu Âu, các ứng viên phải được nhóm nhà khoa học uy tín đề cử. Sau đó, hồ sơ học thuật và thành tựu nghiên cứu khoa học của ứng viên được Viện xét duyệt kỹ lưỡng. Cuối cùng, việc bầu chọn do Hội đồng Khoa học của Viện đảm nhận.
“Thật tuyệt vời khi được hòa nhập với những bộ óc vĩ đại không chỉ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, toán, y học mà còn cả nhân văn, luật, kinh tế, xã hội và khoa học xã hội chính trị. Chúng ta cần nỗ lực tập thể để giải quyết những thách thức quốc tế to lớn đang phải đối mặt hôm nay và trong tương lai”, GS Kim Thanh chia sẻ.
GS Kim Thanh mong muốn, sự kiện này sẽ góp phần nâng cao uy tín cho trí thức, nhà khoa học người Việt Nam trên thế giới, khuyến khích họ tự tin hội nhập với nền khoa học tiên tiến của thế giới.
Rạng danh với những nghiên cứu vật liệu nano
GS Nguyễn Thị Kim Thanh tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học, ĐH Quốc gia Hà Nội năm 1992. Một thời gian sau, bà du học, bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu quốc tế có uy tín tại Hà Lan, Mỹ và Anh.
Từ năm 2013, bà đảm nhận vị trí giáo sư tại ĐH College London và dẫn đầu nhóm nghiên cứu liên ngành tiên tiến về thiết kế và tổng hợp vật liệu nano cho ứng dụng y sinh.
Nguoi Viet dau tien lam vien si Vien Han lam chau Au-Hinh-3
 Giáo sư gốc Việt Nguyễn Thị Kim Thanh đã được giải thưởng quốc tế vinh danh. Ảnh: Báo Quốc tế. 
Bà cũng là giáo sư người Việt đầu tiên tại UCL, chuyên ngành vật liệu nano tại Phòng thí nghiệm UCL Nanomaterials Laboratory đặt tại Viện Royal Institution Anh Quốc và giáo sư của Nhóm sinh lý (biophysics), Khoa Vật lý và Thiên văn cũng thuộc UCL.
Ngày 11/11/2019, trên website của Royal Society (Hội khoa học Hoàng Gia Anh), GS Nguyễn Thị Kim Thanh được công bố nhận Giải thưởng Rosalind Franklin với những thành tựu có tầm ảnh hưởng lớn về nghiên cứu ứng dụng vật liệu nano trong lĩnh vực y sinh, chăm sóc sức khỏe.
Tại Royal Society, là giáo sư, tiến sĩ đến từ University College London, bà Nguyễn Thị Kim Thanh có vinh dự trình bày bài giảng về vật liệu nano plasmonic (hạt vàng hình cầu, trụ và sao), Vật liệu nano từ phòng thí nghiệm đến giường bệnh trước giới khoa học hàng đầu nước Anh.
Với những thành tựu nghiên cứu và dự án có tầm ảnh hưởng lớn về ứng dụng vật liệu nano trong lĩnh vực y sinh, chăm sóc sức khỏe, GS Thanh đã được nhận Giải thưởng Rosalind Franklin năm 2019. Giải thưởng gồm huy chương bằng bạc, khoản hỗ trợ dự án 40.000 bảng Anh và món quà trị giá 1.000 bảng Anh.
Truyền tình yêu khoa học cho giới trẻ
Là nhà nghiên cứu có nhiều thành tựu, GS Nguyễn Thị Kim Thanh luôn tâm huyết truyền tình yêu, niềm say mê khoa học tới thế hệ trẻ, đặc biệt những em có hoàn cảnh khó khăn, ít có điều kiện theo đuổi niềm đam mê này.
Năm 2019, nữ giáo sư người Việt được trao Giải thưởng danh giá Rosalind Franklin từ Viện Hàn lâm Khoa học của Vương Quốc Anh và Khối Thịnh vượng chung vì những thành tựu nghiên cứu của bà trong lĩnh vực vật liệu nano cho y sinh.
Nguoi Viet dau tien lam vien si Vien Han lam chau Au-Hinh-4
 Các em học sinh tham gia chơi trò chơi khoa học tìm kiếm trí tuệ ngoài Trái Đất. Ảnh: TTXVN.
Bà đã đề nghị sử dụng khoản tiền thưởng để tổ chức Trại khoa học dã ngoại ở một trung tâm giải trí phiêu lưu, truyền cảm hứng và động lực nghiên cứu khoa học cho học sinh trung học từ lớp 8 đến lớp 10 thuộc các gia đình nghèo ở London, chọn các môn khoa học và toán (STEM) cho chương trình GCSE (cấp hai) vào tháng 4/2023.
Tại Trại khoa học của GS Nguyễn Thị Kim Thanh, học sinh được tham gia những thí nghiệm thực hành khoa học trong lĩnh vực công nghệ nano tiên tiến rất thú vị, gần gũi đời sống hàng ngày.
Chẳng hạn, tổng hợp các hạt nano vàng bằng nước cốt chanh và muối vàng, thử nghiệm làm đổi màu hạt nano trong dung dịch bằng nước muối (chất điện phân), khám phá sự ổn định của hạt nano khi chúng được bảo vệ bởi một lớp protein (lòng trắng trứng) chống lại nồng độ cao của nước muối….
Các em cũng chứng kiến cách tạo ra hạt nano vàng, hạt oxit sắt từ tính, các hạt nano từ tính tương tác với từ trường bằng cách sử dụng chất lỏng sắt từ và nam châm.
GS Nguyễn Thị Kim Thanh chia sẻ, trại khoa học chỉ là bước khởi đầu trong nỗ lực nhằm thúc đẩy giáo dục STEM và truyền cảm hứng cho thế hệ các nhà khoa học tiếp theo.
“Chúng tôi hy vọng sẽ thúc đẩy những thay đổi tích cực, đặc biệt là những em gái và nhóm dân tộc thiểu số, để trong tương lai họ sẽ khám phá và theo học các môn STEM ở cấp đại học”, bà Thanh nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh cho hay, Việt Nam có nhiều chính sách hỗ trợ để phát huy hơn nữa nguồn lực, tiềm năng của cộng đồng trí thức kiều bào, cũng như tăng cường sự phối hợp giữa trí thức trong và ngoài nước. Ví dụ, việc mở các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Hà Nội và TP HCM, hay việc hỗ trợ tạo Hệ thống sinh thái cho các startups từ nước ngoài về, những đề án mang tính toàn cầu như sức khỏe và môi trường.
Theo bà, đội ngũ trí thức trẻ, đặc biệt là các trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài, là nguồn lực to lớn, đầy tiềm năng, có thể đóng góp cho quê hương, đất nước.


 


Mai Loan