Theo Mirror, nhóm nghiên cứu tại Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã khám phá ra một hang động sâu 50km, rộng 100km dưới bề mặt Mặt Trăng mà có thể trở thành nơi định cư ngoài hành tinh đầu tiên cho nhân loại. Phát hiện này được thực hiện bằng một radar chuyên dụng dùng để khám phá hang động.
|
Mặt Trăng nhìn từ Trái Đất. |
Theo các nhà khoa học, ở những nơi như Mặt Trăng, việc lưu trú trong hang động có ý nghĩa hơn là việc cố gắng thiết lập sự sống trên bề mặt của các hành tinh. Lý do là các phi hành gia sẽ được che chở khỏi bức xạ, chưa kể các thiên thạch nhỏ thường xuyên bắn phá Mặt Trăng.
Đội nghiên cứu cũng cho rằng, họ có cơ sở để tin nhiệt độ bên trong hang động vừa phát hiện ở Mặt Trăng ổn định hơn so với sự biến thiên nhiệt bên ngoài bề mặt (lúc quá nóng, lúc quá lạnh). Hang động đặc biệt này nằm gần một khu vực của Mặt Trăng gọi là Marius Hills, có thể đã được hình thành sau một vụ phóng dung nham, giờ đây có thể nó có chứa cả nước, băng và đá mà chúng ta có thể khai thác nhiên liệu.
Hiện, nhóm nghiên cứu không có kế hoạch thiết lập một cơ sở trên Mặt Trăng, nhưng đó là một triển vọng cho cộng đồng khoa học. Theo dự báo của các chuyên gia tại Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), trong vòng chưa đầy 25 năm, sẽ có 100 người đặt chân lên Mặt Trăng.
Cách đây không lâu, các nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) cũng vừa công bố nghiên cứu rằng, Mặt Trăng từng có một bầu khí quyển rất dày vào khoảng 3 - 4 tỉ năm trước. Trong đó, thời điểm bầu khí quyển dày nhất là cách đây 3,5 tỉ năm.
Bầu khí quyển này hình thành do các núi lửa phun trào, đẩy chất khí nóng lên nhanh, bao gồm khí cacbon monoxide (CO), lưu huỳnh và cả nước. Theo các nhà khoa học, những chỗ lồi lõm trên bề mặt Mặt Trăng là minh chứng cho điều này, rằng đã từng có những dòng dung nham tan chảy trên Mặt Trăng, rồi nguội lại tạo thành đá bazzan đen (hay còn gọi là maria).
Theo Ngọc Phạm/Dân Việt