Những bằng chứng cho thấy chúng ta…là sinh vật ngoài Trái Đất

Google News

Nhân loại có thể đã tiến cầu hơn tới đáp án cho câu hỏi muôn thuở: 'Chúng ta đến từ đâu?'; khi trong năm 2022 hàng loạt nghiên cứu đưa ra bằng chứng ủng hộ lý thuyết sự sống Trái Đất đến từ vũ trụ.

Một giả thuyết từ lâu đã tồn tại trong giới thiên văn, từng được cho là điên rồ và chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng, ngày một chứng minh những điểm thực tế của nó: Sự sống Trái Đất đến từ vũ trụ, du hành đến thông qua các "chuyến tàu" sao chổi và tiểu hành tinh khi địa cầu còn non trẻ.

Nhung bang chung cho thay chung ta…la sinh vat ngoai Trai Dat

Người ngoài hành tinh có thể không ở đâu xa, mà là chính chúng ta và muôn loài? - Ảnh: WEELY WORLD NEWS

Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều nghiên cứu ủng hộ giả thuyết lạ lùng này. Gần đây hơn, vào tháng 2-2022, công trình dẫn đầu bởi tiến sĩ S.A.Krasnokutski từ nhóm phòng thí nghiệm vật lý thiên văn thuộc Viện Thiên văn Max Planck và Đại học Friedrich Schiller Jena (Jena, Đức) đã tập trung vào các peptit, là phiên bản nhỏ hơn của protein và là một trong những nền tảng cơ bản cần thiết để sự sống tồn tại, để tái hiện đoạn lịch sử 4 tỉ năm trước.

Theo Science Alert, họ đã sử dụng một buồng siêu chân không kèm một số chất nền để mô phỏng điều kiện trong các đám mây bụi vũ trụ, để chứng minh amino ketene - một tiền chất hóa học tạo nên peptit - có thể được hình thành trực tiếp trong môi trường kỳ lạ này.

Nghiên cứu công bố trên Nature Astronomy này khẳng định 4 tỉ năm trước, những thứ được chứng minh là ra đời từ "lò luyện" vũ trụ này đã hạ cánh xuống Trái Đất và gieo mầm sự sống.

Nhung bang chung cho thay chung ta…la sinh vat ngoai Trai Dat-Hinh-2

Mầm sự sống hình thành từ các siêu tân tinh cổ đại rồi được thiên thạch gieo xuống Trái Đất? - Ảnh: DISCOVER MAGAZINE

Vật liệu cho lò luyện vũ trụ này chắc chắn phải là một môi trường với tính hóa học đa dạng - điều không tồn tại trong mớ hỗn độn sơ khai của vũ trụ. Vấn đề được giải quyết bởi nghiên cứu công bố trên The Astrophysical Journal hồi tháng 10-2022 của Nhật Bản, Mỹ và Úc: Đó là những siêu tân tinh từ Sao Quần thể III.

Sao Quần thể III là nhóm sao già nhất vũ trụ, được quan sát bởi các siêu kính viễn vọng "xuyên không" vào thế giới hàng tỉ năm về trước, cái xưa nhất hơn 13 tỉ tuổi.

Các ngôi sao này, cũng như sao hiện đại, phát nổ thành siêu tân tinh về cuối đời. Chính chúng đã "bơm" một loạt nguyên tố vào vũ trụ sơ khai nghèo nàn chỉ có hydro, heli và một ít lithium.

Mảnh ghép cuối cùng - cái gì đưa sự sống tới Trái Đất - tiếp tục được chứng minh qua các thiên thạch rơi xuống thế giới chúng ta, mang những cấp độ khác nhau của cái gọi là "khối xây dựng sự sống".

Bước đột phá mới của hướng nghiên cứu này cũng đạt được năm 2022, trong một nghiên cứu công bố trên Nature Communications vào tháng 4-2022. Trong ba thiên thạch lừng danh rơi xuống Murchison, Murray (Úc) và Hồ Tagnish (Canada), các nhà khoa học đã tìm được thứ sốc nhất: dấu vết của DNA!

Nhung bang chung cho thay chung ta…la sinh vat ngoai Trai Dat-Hinh-3

Một mẩu của thiên thạch Murchison lừng danh - Ảnh: METEORITE TIMES MAGAZINE

Tờ Sci-News dẫn lời tiến sĩ Yasuhiro Oba của Đại học Hokkaido (Nhật Bản) cho hay họ đã thử tìm kiếm hai nucleobase là purin và pyrimidine. Hai loại phân tử hữu cơ này này có thể được tổng hợp trong môi trường ngoài Trái Đất, nên họ hy vọng có thể xác định chúng trong các viên đá không gian này.

Kết quả không chỉ xác thực sự tồn tại của hai nucleobase này, mà còn một loạt nucleobase khác. Nucleobase chính là các "khối xây dựng hóa học" để tạo nên cấu trúc thiết yếu của sự sống: DNA và RNA.

Nhóm khoa học gia cho rằng phát hiện tuy chưa đủ sức trở thành lời tuyên bố trực tiếp rằng sự sống Trái Đất - bao gồm chúng ta - đến từ một thế giới ngoài hành tinh xa thẳm nào đó, nhưng đã góp phần chứng minh các cấu trúc cơ bản của sự sống trong vũ trụ có thể được hình thành như thế nào và đến với địa cầu trên con đường nào.

Theo Anh Thư/Người Lao Động