Tin tức giả mạo (fake news) vẫn xuất hiện khắp Facebook và Internet, khiến nhiều người tin và bị ảnh hưởng tiêu cực. Theo Medium, điều này cũng nói lên sức mạnh của quảng cáo và mạng xã hội, quân "át chủ bài" giúp ông Donald Trump thắng cử.
Vận động tranh cử bằng quảng cáo Facebook
Trong chiến dịch tranh cử của mình, Donald Trump bị cho là có ít người ủng hộ hơn bà Hillary Clinton. Đội ngũ kỹ thuật của Trump đã tạo ra "Project Alamo", một cơ sở dữ liệu chứa tên tuổi, địa chỉ, email của 220 triệu người Mỹ. Thông qua dịch vụ quảng cáo Facebook, họ lựa chọn ra những mục tiêu tiềm năng và bắt đầu “đẩy” quảng cáo của mình đến những người này.
|
Project Alamo và Facebook là công cụ bí mật của Donald Trump. Ảnh: Medium. |
Mục tiêu của chiến dịch kỹ thuật số rất đơn giản: Giảm số phiếu bầu phổ thông của bà Clinton trên toàn nước Mỹ đến mức thấp nhất. Họ nhắm vào những người da trắng theo chủ nghĩa lý tưởng, những phụ nữ trẻ tuổi và người Mỹ gốc Phi.
“Chúng tôi biết vì chúng tôi đã tạo ra mô hình này, nó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng bà Clinton vào được Nhà Trắng”, tờ Medium trích lời một nhân viên cấp cao của Trump.
Tấn công vào hình ảnh của bà Clinton là một ví dụ. Đội ngũ của Trump đã tạo ra đoạn phim hoạt hình ngắn có hình ảnh và lời nói nguyên văn của bà vào năm 1996. Phụ họa trong đoạn phim còn có dòng chữ hiện lên mang ý nghĩa “Hillary Clinton nghĩ người Mỹ gốc Phi là những con siêu quái thú (super predator)”.
Cuối cùng, đội kỹ thuật chỉ cần sử dụng chức năng quảng cáo Facebook, tìm và đẩy đoạn phim ngắn này đến đúng những người Mỹ đang phân vân không biết bầu cho ai.
Không lâu sau khi Donald J. Trump đắc cử, Facebook bị chỉ trích vì đã “giúp” ông giành thắng lợi do cơ chế đẩy tin của mạng xã hội này. Về phần mình, Trump cho rằng Facebook và Twitter chính là công cụ đã giúp ông vượt qua bà Clinton.
Facebook đã từ chối đưa ra những bằng chứng, cụ thể là đoạn phim hoạt hình từng được nhóm của Trump sử dụng hay bất cứ quảng cáo nào ảnh hưởng đến chính trị có liên quan đến vị tổng thống đắc cử.
Công ty này cũng từ chối tiết lộ thông tin cá nhân của những người được chọn làm mục tiêu của các đoạn quảng cáo, trừ khi có sự can thiệp từ các nhà hành luật. Bởi người ta vẫn chưa biết chắc được những chiến dịch số mà nhóm của ông Trump thực hiện có được coi là “phạm pháp”.
Dù Mark Zuckerberg từng cho rằng việc đổ lỗi cho quảng cáo Facebook làm sai lệch kết quả bầu cử thật buồn cười. Nhưng thực tế, nguồn sống chính của mạng xã hội này là nhờ quảng cáo. Donald Trump và nhiều tổ chức, tên tuổi khác đã đổ tiền của mình vào mạng xã hội này để quảng bá tên tuổi. Facebook trên vai trò là nhà cung cấp dịch vụ tất nhiên sẽ khó lòng làm khác đi.
Những người đứng sau chiến thắng của Trump là ai?
Quay lại với chiến thắng của Trump, đội ngũ kỹ thuật của ông đã đóng vai trò quan trọng trong suốt thời gian tranh cử. Họ bao gồm những người lập trình viên, thiết kế web, kỹ sư mạng, nhà nghiên cứu dữ liệu, chuyên viên đồ họa và cả những nhân tố khác bên lĩnh vực truyền thông. Đội ngũ này có số lượng chỉ khoảng 100 người và “đóng quân” ở San Antonio, bang Mexico.
Tuy nhiên, họ được dẫn dắt bởi Brad Pascale, doanh nhân và là người sáng lập ra công ty quảng cáo Giles-Parscale. Quan trọng hơn, Brad là người mà Trump tin tưởng hết mực và được giao tài khoản Twitter @realDonaldTrump.
Điểm yếu và là điểm mạnh của Brad là không có kinh nghiệm phát động chiến dịch chính trị. Nhưng ông vẫn cho rằng các chiến dịch này không khác những chiến dịch vận động thương mại, chỉ với cái tên nghe hay hơn. Brad sử dụng Facebook và email để huy động quyên góp từ nhiều người và đã giúp bộ phận kỹ thuật số của Trump có thêm nguồn tiền khổng lồ để hỗ trợ tranh cử.
Mặt khác, ông còn thực hiện kế hoạch “tác chiến” kỹ thuật số khôn ngoan dù chỉ được cấp cho ngân sách khá ít ỏi. Brad tận dụng tối đa sức mạnh của công cụ quảng cáo Facebook. Ông tải lên đó danh sách tên tuổi, địa chỉ, email của những người ủng hộ Trump.
Chỉ cần những khách hàng này xuất hiện hay online trên Facebook, chức năng “Audience Targeting Options” sẽ đẩy những quảng cáo của Trump đến họ. Việc tùy chỉnh cho tính năng này dựa trên độ tuổi, sở thích, hoạt động và quan trọng nhất, Facebook có thể tìm thấy những người “tương tự” các đối tượng khách hàng này để tiếp tục đẩy quảng cáo đến.
Chưa hết, đội ngũ do Brad đảm nhận còn tự tay thiết kế hàng ngàn trang web khác nhau, nhưng đều có nội dung chính sẽ khiến người truy cập ủng hộ cho Trump. Sau khi các khách hàng nhấn vào những quảng cảo Facebook, họ sẽ được đưa đến các trang web này.
|
Facebook cung cấp cho người dùng nhiều công cụ để quảng bá sản phẩm. Ảnh: Facebook. |
Theo Medium, trợ lực cho Trump còn có Ủy ban Quốc gia Cộng hòa (RNC). Cơ sở dữ liệu RNC nắm giữ bao gồm hơn 6 triệu người theo đảng Cộng hòa. Để có được nguồn lực này, Parscale đã bắt tay với đại diện của RNC là Prebius với thỏa thuận tiền quyên góp được từ những người trong danh sách này 80% sẽ thuộc về RNC.
Tiếp đến, con rể của Trump là Jared Krushner đã chỉ đạo Parscale xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin của 220 triệu người ủng hộ Donald Trump. Project Alamo khi này bao gồm 4.000 đến 5.000 dữ liệu khác nhau liên quan các hoạt động online hoặc offline của từng người. Ngay cả khi cuộc đua đến ghế Nhà Trắng kết thúc, cơ sở dữ liệu này vẫn tồn tại và thuộc sở hữu của Trump.
Bên cạnh đó, ông Trump còn được chống lưng bởi Cambrigde Analytica, công ty chuyên nghiên cứu khoa học dữ liệu và hành vi tâm lý của các cử tri. Công ty này đã cung cấp nguồn dữ liệu quan trọng cho cơ sở dữ liệu của Trump, giúp Parscale có thêm nhiều “mục tiêu” tiềm năng để tấn công bà đánh bại Clinton.
Nhưng vấn đề mấu chốt vẫn là Trump không có lượng người ủng hộ đông đảo như Clinton. Nhận thấy yếu tố chưa thể khắc phục đó, nhóm kỹ sư của ông đã quyết định đánh thẳng vào những người ủng hộ bà Clinton. Nếu có thể “thay đổi” những người này, Trump sẽ nắm chắc chiến thắng.
Với phương pháp phát đi phát lại đoạn phim ngắn về Clinton, những người ủng hộ bà dần thay đổi quan điểm và tiến hành bầu cử cho Trump. Việc đối đầu với những người không ưa mình tuy có rủi ro cao sẽ khiến họ càng tức giận, nhưng thực tế đã cho thấy đó là quyết định sáng suốt của Trump.
Tờ Medium đã đánh giá “Chiến thắng tranh cử tổng thống của Donald J. Trump là chiến dịch áp chế tranh cử bằng kỹ thuật số thành công nhất trong lịch sử nước Mỹ. Vũ khí bí mật Trump tận dụng chính là Project Alamo và nền tảng quảng cáo của Facebook. Bằng cách sử dụng các đòn bẩy từ công cụ quảng cáo Facebook, Trump âm thầm cướp đi lượng cử tri ủng hộ Clinton và khiến họ ủng hộ mình”.
Theo Hoàng Vinh/Zing