Cấu trúc Richat, Mauritania: Các phi hành gia là những người đầu tiên quan sát được Cấu trúc Richat, còn gọi là "Con mắt của Sahara". Đây là một vòng xoáy rộng 48,2 km giống như vỏ ốc hoặc con mắt. Các nhà khoa học cho rằng kỳ quan thiên nhiên này có thể là dấu vết thiên thạch va chạm Trái Đất, hoặc một dãy núi bị xói mòn theo thời gian.
Thác Eternal Flame, New York, Mỹ: Thác nước kỳ lạ này là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất khi tới Công viên Chestnut Ridge, New York. Ở chính giữa thác nước là một ngọn lửa nhỏ (gần như) bất tử, được hình thành từ khí metan tự nhiên thấm qua các vết nứt trên đá. Đôi khi ngọn lửa bị dập tắt bởi những tia nước, nhưng du khách có thể thắp nó lên bằng một chiếc bật lửa.
Uluru, Australia: Uluru hay Ayers Rock, nằm trong Vườn quốc gia Uluru-Kata Tjuta của Australia, nơi đã thu hút du khách từ nhiều thế kỷ. Các nhà khoa học cho rằng núi đá nguyên khối sa thạch này đã hình thành từ 550 triệu năm trước. Bề mặt màu đỏ của ngọn núi là do quá trình oxy hóa trong thời gian rất dài, trong khi phần đá phía dưới đáy có màu xám.
Thác máu, Nam Cực: Tại lục địa lạnh và bí ẩn nhất thế giới này tồn tại một thác nước đỏ như máu thấm vào băng. Ban đầu các nhà khoa học cho rằng đây là do tảo. Tuy nhiên sự thật là do một hồ nước mặn mắc kẹt trong băng từ 2 triệu năm trước. Hàm lượng sắt và độ mặn cao, thiếu không khí đã tạo nên màu đỏ như máu. Sau cùng, chúng gỉ ra ngoài qua một khe nứt trong băng.
Nazca Lines, Peru: Đây là tập hợp của hơn 300 hình vẽ bí ẩn trên cao nguyên Nazca, Peru. Mỗi hình vẽ là một nhân vật khác nhau, từ cô gái, nhện, khỉ, chim... với đủ loại kích thước, có thể rộng tới 3,2 km2. Từ lâu, có rất nhiều giả thuyết xung quanh những hình vẽ khổng lồ này. Giả thuyết phổ biến nhất là một nền văn minh cổ xưa đã tạo nên khi thực hiện các nghi lễ.
Những tảng đá biết đi ở Thung lũng chết, California, Mỹ: Hiện tượng kỳ lạ xảy ra tại Thung lũng chết ở California, khi những tảng đá khổng lồ tự di chuyển và tạo thành các vệt dài trên nền đất nứt nẻ. Giới khoa học không tìm ra lời giải thích thỏa đáng trong suốt nhiều năm. Thậm chí có người còn tin rằng đây là do người ngoài hành tinh đã can thiệp.
Kawah Ijen, Indonesia: Hồ nước màu ngọc lam kỳ lạ này được hình thành trong miệng núi lửa Kawah Ijen, Indonesia. Đây được coi là hồ nước có trữ lượng axit lớn nhất thế giới. Xung quanh hồ là những ngọn lửa điện màu xanh thỉnh thoảng bùng phát trong không khí. Các nhà khoa học giải thích đây là do hàm lượng axit sulfuric cao, làm cho nước có màu nổi bật và bốc cháy khi gặp không khí.
Hồ Hillier, Australia: Hồ nước màu hồng kỳ lạ này nằm ngay sát biển, tương phản hoàn toàn với màu xanh của đại dương. Vẻ đẹp siêu thực của hồ Hillier vẫn là một điều gì đó bí ẩn mà khoa học chưa giải thích được. Giả thuyết phổ biến nhất liên quan đến độ mặn cao của hồ.
Bãi biển Moeraki Boulders, New Zealand: Bãi biển Moeraki Boulders có rất nhiều tảng đá hình cầu kỳ lạ, nằm rải rác trên khắp khu vực được bảo tồn nghiêm ngặt. Qua nghiên cứu, những tảng đá đều chứa trầm tích có niên đại 65 triệu năm. Nhiều giả thuyết được đưa ra, trong đó có cả nghi vấn đây là trứng của người ngoài hành tinh.
Cửa địa ngục, Turkmenistan: Đây là địa điểm giống như trong các bộ phim kinh dị tạo ra, một hố sâu rực lửa được ví như cổng vào địa ngục. Miệng núi lửa Darvaza, hay còn gọi là "Cửa địa ngục", mở cửa đón du khách vào năm 1971. Một mỏ khí đốt tại đây bất ngờ sụp đổ xuống tạo thành hang động ngầm. Để ngăn chặn các loại khí phát tán, các kỹ sư quyết định đốt nó, khiến ngọn lửa vẫn cháy hừng hực trong nhiều thập kỷ.
Theo Zing