Hươu xạ có mùi hương quý hơn vàng
Hươu xạ Kashmir, tên khoa học là Moschus cupreus, là một loài động vật có vú trong họ Moschidae, bộ Artiodactyla. Loài này được nhìn thấy lần cuối vào năm 1948 ở Afghanistan bởi các nhà khoa học Đan Mạch.
Loài hươu quý có răng nanh này đang có nguy cơ tuyệt chủng do việc săn bắn trái phép của những kẻ săn trộm. Mặc dù đã hơn 60 năm qua, hươu xạ Kashmir không xuất hiện nhưng một nghiên cứu của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) đã tiết lộ các loài vẫn sống ở khu rừng phía đông bắc Afghanistan.
"Hươu xạ là một trong những báu vật sống của Afghanistan", nhà khảo sát Peter Zahler, Phó Giám đốc hiệp hội WCS ở châu Á cho biết. "Loài hươu quý hiếm này, cùng với loài báo tuyết, là di sản thiên nhiên của đất nước đang gặp khó khăn này. Chúng tôi hy vọng rằng điều kiện của đất nước này sẽ sớm ổn định bảo tồn của các loài động vật hoang dã quý hiếm này".
Loài hươu xạ Kashmir đã bị giảm số lượng nhanh chóng và có nguy cơ tuyệt chủng bởi nạn săn bắn trái phép nhằm lấy tuyến mồ hôi có mùi hương quý giá của con hươu – thứ được coi là có giá trị hơn vàng.
Túi thơm của Hươu xạ đực được gọi là Xạ hương có vị cay, tính ấm thường được sử dụng để điều trị sốt cao bất tỉnh, trúng phong, nhọt độc, sưng tấy, đau ngực nghiêm trọng...
Cá nhà táng sở hữu hợp chất rất hiếm
Long diên hương được mệnh danh là "báu vật của biển". Khối đá được tạo ra từ hệ tiêu hóa của cá nhà táng nhìn xù xì, xấu xí nhưng lại mang rất nhiều giá trị và có giá đắt hơn cả vàng.
Cá nhà táng thuộc về bộ cá voi, phân bộ cá voi có răng. Cá nhà táng là loài cá lớn nhất đại dương. Long diên hương là phần tinh túy của loài cá khủng này.
Nhiều người cho rằng long diên hương là phân của cá nhà táng. Tuy nhiên, nói một cách chính xác thì long diên hương không hẳn là phân, nó có dạng chất sáp với thành phần là chất béo.
Nhiều giả thuyết cho rằng đó là chất tiết để bao bọc những thức ăn khó tiêu như răng của một số loài mực trong dạ dày cá nhà táng. Nhưng cũng có thuyết cho rằng chất tiết này như một loại kháng sinh để làm lành những vết thương trong ruột của cá. Sau hàng năm trời, cá nhà táng tích tụ số chất này thành một cục lớn.
Long diên hương sau đó được bài tiết ra ngoài cùng với phân và có mùi tương tự phân khi mới được thải ra. Vậy nên, gọi đó là một loại phân hiếm của cá nhà táng cũng không sai.
Sau khi cá thải ra biển, những tảng long diên hương có thể trải qua hàng nghìn năm nằm trong lòng biển sâu hoặc trôi dạt vào bờ biển.
Long diên hương là hợp chất rất hiếm, chỉ có trong 1% các loài cá nhà táng. Vậy nên người ta chỉ sử dụng chúng cho những lọ nước hoa cao cấp và rất đắt tiền.
Bộ phận "tỏa hương" của cầy mực bắt nguồn từ tuyến hậu môn
Cầy mực hay chồn mực là động vật ăn thịt thuộc họ cầy. Môi trường sống của chúng là các khu rừng mưa ở Nam Á và Đông Nam Á . Chúng là loài thú ăn đêm và ngủ trên các cành cây.
Cầy mực nổi tiếng không phải vì khích thước hay dáng vẻ của nó, mà là bởi một mùi hương đặc biệt - mùi thơm lừng của món bắp rang bơ mà bạn có thể ngửi thấy khi bước vào rạp chiếu phim.
Tuy nhiên, bạn chỉ có thể ngửi thấy mùi hương này trong phạm vi chỗ ở của chúng mà thôi. Bởi theo các chuyên gia, bộ phận "tỏa hương" của cầy mực bắt nguồn từ tuyến hậu môn.
Cầy mực là một sinh vật lông lá xù xì sống chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á. Trông có vẻ xấu xí, dữ dằn nhưng cầy mực lại rất nhút nhát.
Thông thường các loài cầy đều rất nặng mùi nhưng riêng cầy mực lại rất thơm. Sở dĩ chúng sở hữu mùi hương đặc biệt như vậy là vì nước tiểu của chúng có chứa hợp chất 2-AP có mùi hương tựa như bắp rang bơ. Mỗi khi "giải quyết nỗi buồn", cầy mực sẽ để lại mùi hương đặc trưng trên mỗi cành cây, tán lá mà chúng đi qua.
Giống mèo nhà, cầy mực có tính lãnh thổ cao và luôn dùng mùi cơ thể của mình để đánh dấu phần đất của nó. Trong khi mèo nhà sẽ chà xát, rúc mình để lưu lại mùi thì cầy mực lại đánh dấu địa phận lãnh thổ bằng cách lết cái mông của mình lên tất cả các đồ vật và mặt phẳng mà nó tìm thấy.
Kiến vàng Lasius Interjectus có mùi kẹo chanh
Quần thể kiến vàng Lasius Interjectus này sống chủ yếu dưới lòng đất và làm tổ dưới các tảng đá hay gò đất nhỏ.
Không chỉ phát ra mùi chanh mà trông chúng cũng giống như những viên kẹo chanh có màu vàng trong suốt. Khi cộng đồng của kiến vàng bị phá rối, chúng sẽ tiết ra một hóa chất phòng vệ có mùi rất giống mùi chanh, vì thế có vài người gọi chúng là kiến sả.
Cóc chân thuổng tỏa mùi bơ đậu phộng
Loài cóc độc đáo này có tên khoa học là Spea Multiplicata, được tìm thấy trong vùng Tây Nam Hoa Kì và Mexico. Chúng có cấu tạo hình dáng hai chân sau giống một cái xẻng (thuổng) để có thể dễ dàng đào đất.
Chúng dành phần lớn thời gian của mình chôn vùi trong bùn và chỉ xuất hiện trong thời kì khô hạn để ăn côn trùng và sinh sản mà thôi. Qua nghiên cứu, các chuyên gia đã phát hiện ra loài cóc này có thể phát ra mùi hương giống như mùi bơ đâu phộng.
Nhưng bạn cần lưu ý rằng, mùi hương tỏa ra ở phần da trên lưng của loài cóc này có thể khiến bạn cay mắt và hắt xì nếu bạn dí sát mặt vào cơ thể chúng.
Ong mật châu Phi có mùi chuối
Hệ thống liên lạc và giao tiếp của loài ong vô cùng phức tạp. Khi một con ong kiếm ăn cảm thấy bị đe dọa, nó sẽ gửi hương thơm của sự sợ hãi đến tổ ong. Các con ong khác khi nhận được tín hiệu hóa học đó sẽ truyền tiếp tin nhắn cảnh báo đến đồng loại của mình.
Ong mật châu Phi nhạy cảm với các tín hiệu hóa học này hơn người anh em họ của chúng ở châu Âu và đồng thời cũng tiết ra "mùi hương" nhiều hơn. Điều đó có nghĩa là càng hoảng sợ, các chú ong sẽ tỏa hương "mùi chuối" nhiều hơn và sẽ tấn công kẻ thù ác liệt hơn.
Theo Tienphong