Dù sinh tồn giữa hoang dã chưa bao giờ là chuyện dễ, nhưng với một số loài động vật thì câu chuyện này lại càng khó không tưởng. Có thể nói chúng như sinh nhầm thời vậy, sống chẳng khác gì địa ngục trần gian.
1. Chim sẻ: Trọn đời nghi kị và trả đũa cay độc
Chim sẻ (Passeridae) là loài có lối sống một vợ một chồng. Chỉ có điều, cả "chồng" lẫn "vợ" đều... trăng hoa. Và quan trọng hơn là dù chẳng thủy chung gì với nhau, chúng lại vẫn ghen tuông điên loạn.
|
Cả chim sẻ đực và cái đều luôn nghi ngờ nhau cho đến trọn kiếp.
|
Nếu chim sẻ trống nghi ngờ đám con trong tổ không phải là ruột thịt của mình, nó sẽ không buồn chăm sóc, đôi khi còn cố ý bạo hành. Con mái còn ác nghiệt hơn - nó sẽ âm thầm theo dõi "đức phu quân", rình xem "anh" đang ve vãn cô nào, rồi lại tiếp tục âm thầm chờ đợi.
Đến khi những đứa con của cặp đôi ngoại tình mổ vỏ chào đời, "chính thất" mới bắt đầu hành động. Nhè lúc hai kẻ lừa dối rời tổ đi kiếm ăn, nó liền bay vào, mổ chết toàn bộ.
Hạ thủ xong rồi, "vợ cả" điềm nhiên ra về, đợi "chồng" quay lại, tiếp tục cuộc sống lứa đôi đầy hoài nghi đến trọn kiếp.
2. Nhện dệt cầu: Đánh đổi cả sinh mạng để được gieo giống
|
Chỉ có khoảng 30% nhện thợ dệt quả cầu đực thoát kiếp làm thức ăn cho con cái sau khi giao phối.
|
Nhện dệt cầu (Orb-weaving spider) là một phân nhánh của họ nhện Araneidae có đến hơn 3000 loài và 168 chi. Trong đó, loài nhện này có một điểm cực kỳ đặc biệt là màn giao phối tự sát.
Chỉ có khoảng 30% nhện thợ dệt quả cầu đực thoát kiếp làm thức ăn cho con cái sau khi giao phối. Lý do là bởi chúng phải cố ý kéo dài thời gian để gửi được càng nhiều tinh trùng hơn càng tốt.
Cái thú vị là nhện thợ dệt quả cầu đực hoàn toàn ý thức được nguy cơ mất mạng. Chúng tuyệt đối không liều lĩnh lao vào, mà cực kỳ cẩn trọng trong việc "chọn mặt gửi vàng" với con cái sẽ sinh con cho mình.
Ngay cả khi được bao vây bởi cả một đám nhện thợ dệt quả cầu cái, "anh chàng" vẫn khá điềm tĩnh. Chỉ khi đã sắp đến tuổi "gần đất xa trời" rồi, chúng mới bớt do dự đi.
3. Chồn sương cái: Độc thân đồng nghĩa với tự sát
|
Với nhà chồn sương, con cái mới là con nhất định phải có "chồng", nếu không sẽ chết.
|
Chồn sương (Mustela putorius furo) còn gọi là chồn Ferret. Chúng là một loài chồn kích thước tầm trung, nổi tiếng với kỹ năng nhảy múa thôi miên thỏ (con mồi) một cách thần sầu.
Thông thường ở hầu hết các loài động vật, chỉ có con đực phát điên nếu không được giao phối. Nhưng riêng với nhà chồn sương, con cái mới là con nhất định phải có "chồng", nếu không sẽ chết.
Nguyên nhân nằm ở bộ phận sinh dục của con cái. Nếu đến mùa động dục mà không được thỏa mãn, nó sẽ sưng tấy, lâu dần thành ra nhiễm trùng, có thể dẫn đến tử vong. Chưa hết, nếu không được quan hệ, chồn sương cái còn bị thiếu máu trầm trọng do tủy xương bị thương tổn nữa. Một khi đã rơi vào tình trạng này, chúng chắc chắn mất mạng.
Dù sao thì muốn cứu chồn sương cái cũng không hẳn khó. Chỉ cần mang tới cho nó một gã chồn đực là xong.
4. Linh cẩu cái: 18% con mẹ và 60% con non thiệt mạng trong quá trình sinh nở
|
Linh cẩu là một loài vật kỳ quặc.
|
Cái kỳ quặc đầu tiên là con cái vừa có thể giao hợp với cá thể cái khác, vừa có thể mang bầu. Chúng có bộ phận dương vật giả, được sử dụng để quan hệ đồng tính, đi tiểu và sinh con.
Điều thứ 2, là quan hệ đồng tính ở linh cẩu cái không thể dẫn đến thụ thai. Điều này cũng có nghĩa là để duy trì nòi giống, linh cẩu cái vẫn buộc phải giao phối với linh cẩu đực. Và vì âm vật của chúng là một kiểu dương vật giả, dài khoảng 17,8cm, nên ngay từ chuyện giao phối đã chẳng dễ dàng gì.
Và cuối cùng là chuyện sinh con qua dương vật giả - trải nghiệm phải nói là cực kỳ đau đớn. Một bào thai linh cẩu khi chuẩn bị chào đời sẽ nặng chừng 0,9kg, còn đường kính lỗ dương vật giả thì chỉ rộng có 2,54cm. Mọi linh cẩu cái đều phải vật lộn khổ sở để linh cẩu con chào đời.
Hầu hết chúng đều bị rách nghiêm trọng trong lứa sinh con đầu tiên. Hệ quả, có đến 18% linh cẩu mẹ thiệt mạng khi sinh nở, trong khi 60% linh cẩu con bị chết ngạt trước khi chào đời.
5. Nhện nhung: Lấy chính thân thể mình ra nuôi con của người ta
|
Không như hầu hết các loài nhện đều sống đơn độc, nhện nhung sống theo bầy đàn.
|
Hy sinh vì con cái của mình thì đã đành, đằng này nhiều nhện nhung (Eresidae) cái lại phải đem máu thịt ra làm thức ăn nuôi con của kẻ khác.
Không như hầu hết các loài nhện đều sống đơn độc, nhện nhung sống theo bầy đàn. Chúng dệt những cái tổ khổng lồ, đủ chỗ cho cả hàng trăm con cùng chung sống. Ngay cả kiếm ăn, bảo vệ "nhà", nuôi dạy con cái cũng làm chung luôn.
Có điều, chỉ 40% nhện nhung cái trong một tổ có thể giao phối và sinh đẻ. 60% còn lại không một lần quan hệ với con đực. Nhưng dù vậy, các "bà cô" này vẫn cần mẫn chăm trẻ, "nhiệt tình" đến nỗi lấy cả cơ thể ra làm thức ăn nuôi chúng lớn.
Thêm một điều bất thường nữa là nếu các "mẹ nuôi" chưa đủ để làm thức ăn, một số "mẹ ruột" sẽ tự biến đổi cơ quan nội tạng, trở thành miếng ngon cho đàn con chống đói. Có vẻ như loài nhện này thật sự hiểu rằng sự sống còn của cả đàn thì quan trọng hơn sinh mạng của một vài cá nhân.
6. Quỷ Tasmania: Đẻ 50 con nhưng chỉ nuôi được 4
|
Mỗi lần, quỷ cái sẽ hạ sinh khoảng 50 con non.
|
Quỷ Tasmania (Sarcophilus harrisi) vốn nổi tiếng là loài thú săn mồi có túi lớn nhất thế giới, dù kỳ thực cũng không to lớn gì cho cam với cân nặng trung bình chỉ tầm 8kg.
Nhưng cái đặc biệt nhất của quỷ Tasmania là khả năng sinh nở. Mỗi lần, quỷ cái sẽ hạ sinh khoảng 50 con non. Song ngay khi vừa ra khỏi bụng mẹ, chúng phải mò mẫm bò vào trong túi, giành ăn sống chết với những kẻ đã án ngữ ở đó trước.
Nguyên do là bởi quỷ Tasmania mẹ chỉ có 4 núm vú, nên cuối cùng chỉ có đúng 4 quỷ Tasmania con sống sót, mỗi con chiếm một núm vú. Những kẻ còn lại đều chết đói. Trong vòng 100 ngày kế tiếp, 4 quỷ Tasmania sống sót này cũng phải kiên quyết cố thủ, không để con khác giật mất miếng sữa của mình.
Theo helino