Thời đại công nghệ, trẻ con không còn lăn lê bò toài ngoài trời nữa mà có nhiều cách khác để giải trí trong nhà. Chỉ cần có một hoặc vài món đồ điện tử như iPad, PC hay laptop, smartphone... là chúng có thể ngồi chơi trong nhà hàng giờ, người lớn không cần phải trông nom hay lo lắng con mình sẽ nghịch dại ngoài đường. Nhưng thiết bị điện tử cũng gây ra không ít hậu quả xấu, con trẻ có thể ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính, tablet hay Tivi... gây tổn hại mắt. Nguy hiểm hơn là chúng có thể sử dụng tai nghe với âm lượng lớn và thời lượng dài, dẫn đến tổn thương về thính lực.
Trẻ em liệu có nên sử dụng tai nghe không?
Các chuyên gia thính học cho rằng thời gian dùng tai nghe tối ưu chỉ nên dưới 2 tiếng, dù là trẻ em hay người lớn. Và dù nghe bao nhiêu lâu, với nội dung gì cũng không nên đặt âm lượng quá mức 85dB.
Kiểm soát giới hạn âm lượng tai nghe là một trong những cách để bảo vệ thính lực cho con trẻ, nhưng nhiều người vẫn nghĩ rằng trẻ em hoàn toàn không nên sử dụng tai nghe.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng mức âm lượng an toàn là 85dB, bằng cường độ trung bình mà chúng ta nghe được trong một ngày. Nhưng nhiều chuyên gia thính lực vẫn cho rằng 70dB mới là mức an toàn dành cho trẻ em vì 85dB là mức an toàn dành cho người lớn, với thính lực đã được phát triển hoàn toàn.
Vấn đề đặt ra khi nghe với mức âm lượng 70dB là ngưỡng này rất nhỏ, không hơn gì những tạp âm ở bên ngoài. Tức là với những cặp tai nghe như vậy sẽ rất khó thưởng thức âm thanh chất lượng.
Trẻ em có thính lực chưa phát triển đầy đủ nên dễ bị tổn hại hơn so với người lớn. Hệ thống thần kinh cảm nhận âm thanh, lông tai, khoang tai trong... của trẻ còn chưa ổn định, nếu phải tiếp xúc với âm lượng lớn trong thời gian dài có thể gây ra thoái hóa sớm, dẫn đến điếc vĩnh viễn. Đó là chưa kể đến các ảnh hưởng xấu khác lên toàn bộ hệ thần kinh trung ương, nhận thức và sự hình thành phản xạ của trẻ. Ống tai của trẻ em cũng ngắn hơn so với người lớn, nên màng nhĩ sẽ gần với màng loa của tai nghe hơn, tức là chúng sẽ cảm nhận được âm lượng lớn hơn so với cùng mức dành cho người trưởng thành.
Một vấn đề nữa là khi nghe các loại âm thanh tại gia, người lớn có đủ nhận thức để điều chỉnh âm lượng cho phù hợp, khi sử dụng tai nghe cũng vậy (dù khó hơn đôi chút). Nhưng trẻ em thì khác, chúng có thể bị "tra tấn" bởi những âm thanh lớn trong một thời gian dài mà không có phản xạ giảm volume thiết bị, đặc biệt khi trẻ dùng tai nghe thì người lớn lại không biết mức âm lượng đang phát để can thiệp giúp chúng.
Sau tất cả những kiến thức đó, cách tốt nhất để trẻ có thể nghe một cách an toàn một nội dung âm thanh nào đó là đặt chúng trong một không gian phù hợp cùng với nguồn âm từ loa ngoài đã được điều chỉnh cường độ tối ưu. Nếu không đáp ứng được điều kiện tối ưu như trên nhưng vẫn muốn cho trẻ nghe một số nội dung âm thanh cần thiết nào đó thì việc đầu tư một cặp tai nghe dành riêng cho trẻ em sẽ tốt hơn là sử dụng loại bình thường.
Cách chọn tai nghe cho trẻ em
Hiện tại trên thị trường đã có nhiều hãng sản xuất tai nghe dành riêng cho trẻ em, nhưng không phải loại nào cũng tốt và phù hợp.
Tai nghe cho trẻ em thường có mẫu mã sặc sỡ, thiết kế đẹp mắt, nhưng nếu chúng không được chú trọng thiết kế màng loa phù hợp thì có thể gây hại nhiều hơn tổng các lợi ích mà nội dung âm thanh mang lại. Vì vậy, khi chọn tai nghe cho trẻ người lớn nên lưu ý các vấn đề sau.
+ Lời khuyên đầu tiên là nên chọn tai nghe cho trẻ em loại on-ear, vì loại in-ear sẽ làm phần lớn trẻ khó chịu ngay lập tức hoặc kêu đau tai sau vài phút. Hơn nữa việc cài đặt tai nghe in-ear cho chuẩn và không gây đau phải đi cùng kỹ thuật điều chỉnh kết hợp cảm nhận ở ống tai, trẻ nhỏ không thể tự làm việc này mà người lớn thì không thể cảm nhận hộ chúng. Nếu có điều kiện thì chọn loại tai nghe bluetooth on-ear là tốt nhất cho trẻ em, vừa an toàn cho nguuồn phát, vừa giúp chúng không cảm thấy vướng víu chân tay hoặc bị gò bó.
+ Việc tiếp theo là xem xét cường độ âm thanh tối đa mà cặp tai nghe có thể tạo ra. Với các tai nghe hiện hành trên thị trường thì giới hạn âm lượng vượt quá 115dB (tương đương một đoàn tàu hỏa chạy qua) khá phổ biến. Để chọn tai nghe cho trẻ, giới hạn cường độ chỉ nên từ 70-85dB. Kết hợp với tính năng khóa âm lượng ở các máy điện thoại hiện nay thì người lớn có thể yên tâm con mình không bị nghe âm thanh lớn quá mức cho phép.
+ Với các tai nghe dạng vòng đầu thì phải có phương pháp để điều chỉnh độ rộng cho vừa khít với đầu của trẻ. Các tai nghe trên thị trường hiện nay đều có vòng đầu khá lớn, lại khá nặng nên có thể gây khó chịu trong quá trình sử dụng. Tốt nhất là đi mua tai nghe cùng với trẻ, thử ngay tại chỗ.
+ Một cặp tai nghe dành cho trẻ em cần có cách âm tốt. Âm thanh phát ra từ củ loa cần đi thẳng vào ống tai, tránh bị phân tán và lẫn các tạp âm bên ngoài gây mất tập trung. Khi tai nghe cách âm kém, trẻ sẽ tìm cách chỉnh to âm lượng thêm và dẫn tới tổn thương thính lực.
+ Hãy chọn các tai nghe có thiết kế vui nhộn, đẹp, nhẹ nhàng. Với các tai nghe có phần dây dài, hãy cuốn dây ngắn lại để trẻ không cảm thấy vướng víu, bất tiện và gò bó.
Cuối cùng, ngay cả khi đã đầu tư một cặp tai nghe tối ưu, chuyên dụng cho trẻ em thì người lớn cũng không nên để chúng sử dụng trong thời gian quá dài. Xin nhắc lại, thời lượng nghe theo khuyến cáo của các chuyên gia là từ 1,5-2 tiếng. Trong khoảng thời gian đó thỉnh thoảng người lớn vẫn cần kiểm tra âm lượng, liên tục hỏi xem trẻ có cảm thấy khó chịu hay không và dừng ngay khi chúng nói có.
Theo Minh Đức/Nghe nhìn Việt Nam