1. Sử dụng máy lạnh (Air Conditioner - AC) sai kích thước
Sai lầm đầu tiên mà rất nhiều người thường mắc phải là chọn mua máy lạnh không phù hợp với diện tích căn phòng. Tất cả các mẫu máy lạnh đều được thiết kế để làm mát tốt trong một khoảng không gian nhất định, nếu căn phòng của bạn quá lớn, thiết bị sẽ hoạt động không hiệu quả, đồng thời tiêu tốn nhiều điện năng.
Để thiết bị có thể hoạt động bền bỉ và tiết kiệm điện, bạn hãy chọn mua các mẫu máy lạnh có công nghệ Inverter cùng khả năng làm mát phù hợp với diện tích căn phòng.
2. Mở cửa khi bật máy lạnh
Nếu cửa sổ hoặc cửa ra vào được mở, không khí lạnh sẽ nhanh chóng bay ra ngoài và ngược lại, không khí nóng bên ngoài cũng sẽ quay ngược vào trong phòng. Điều này đồng nghĩa với việc máy lạnh sẽ phải hoạt động hết công suất, tốn điện và không đạt hiệu quả làm mát.
3. Đặt nhiệt độ quá thấp
Khi trở về nhà sau một ngày dài làm việc, thông thường chúng ta sẽ bật máy lạnh với mức nhiệt độ thấp với ý nghĩ việc này sẽ giúp làm mát căn phòng nhanh hơn. Tuy nhiên, đây không phải là cách máy lạnh hoạt động.
Cho dù nhiệt độ phòng là 30-35 độ C thì máy lạnh vẫn sẽ thổi ra cùng một "cường độ" không khí mát. Việc cài đặt nhiệt độ chỉ cho thiết bị biết thời điểm ngừng thổi không khí mát ra ngoài. Do đó, để tiết kiệm điện năng, bạn chỉ nên thiết lập nhiệt độ máy lạnh phù hợp.
4. Không sử dụng quạt khi bật máy lạnh
Hầu hết mọi người thường sử dụng quạt khi trời không quá nóng và máy lạnh khi trời nóng. Tuy nhiên, trên thực tế máy lạnh sẽ hoạt động tốt hơn khi kết hợp với quạt (đặc biệt là quạt trần tự động).
Việc sử dụng quạt (ở mức nhẹ) sẽ giúp không khí mát lưu thông khắp căn phòng nhanh hơn. Ngoài ra, sự lưu thông của không khí còn giúp mồ hôi của bạn bay hơi nhanh hơn, điều này có tác dụng làm mát làn da của bạn.
Bí quyết này có thể giúp người dùng tiết kiệm đáng kể hóa đơn tiền điện trong những ngày nắng nóng.
5. Không vệ sinh, thay thế bộ lọc máy lạnh
Dù bạn có lau chùi căn phòng sạch đến mức nào thì vẫn luôn có những hạt bụi nhỏ bay lơ lửng trong không khí và bị hút vào máy lạnh. Theo thời gian, bộ lọc của máy lạnh sẽ bị dơ và chứa đầy bụi bẩn (giảm lưu lượng không khí), do đó, việc vệ sinh, thay thế bộ lọc sau một khoảng thời gian sử dụng là điều cần thiết.
Theo một số báo cáo, một bộ lọc bẩn có thể làm tăng hóa đơn tiền điện lên đến 15%.
Nếu máy lạnh của bạn hoạt động liên tục mỗi ngày, hãy thay hoặc vệ sinh bộ lọc ít nhất một lần mỗi tháng. Ngược lại, nếu ít sử dụng máy lạnh, người dùng chỉ cần thay bộ lọc ba tháng/lần.
6. Không bảo trì máy lạnh
Bảo trì thường xuyên sẽ kéo dài tuổi thọ của máy lạnh và giúp thiết bị làm mát hiệu quả hơn, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng.
Nếu bạn nghe thấy tiếng động lạ hoặc nước chảy ra từ bên trong máy lạnh, hãy gọi cho kỹ thuật viên để họ bảo trì thiết bị. Tiền bảo trì thiết bị thường rẻ hơn tiền thay mới hoàn toàn máy lạnh khi bị hư hỏng.
7. Hạn chế các nguồn nhiệt
Che cửa sổ bằng rèm dày và sáng màu để tránh nhiệt độ trong phòng tăng cao, ảnh hưởng đến việc làm mát bằng máy lạnh. Bên cạnh đó, nếu ngôi nhà của bạn hứng nắng nhiều, bạn hãy sử dụng các vật liệu cách nhiệt để che chắn thêm.
Theo Kỷ nguyên số