Vùng Clarion-Clipperton (CCZ) là một vùng đứt gãy lớn trải dài từ Mexico đến Hawaii trên diện tích 6 triệu km2, có thể hiểu như một vết sẹo lớn nơi đáy Thái Bình Dương bị nứt, biến dạng lớn do chuyển động của các mảng kiến tạo.
Theo Live Science, ở độ sâu 4-6 km dưới mặt nước, CCZ được bao phủ bởi các nốt hình cầu dị thường to bằng củ khoai tây, giàu kim loại và các nguyên tố đất hiếm mà các công ty khai thác luôn mong muốn tìm kiếm.
Một số mẫu vật kỳ quái từ CCZ - Thái Bình Dương - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London
Nhưng nghiên cứu mới cho thấy đó còn là một vùng biển hoang sơ nơi có rất nhiều sinh vật kỳ dị mà sự xâm phạm của con người có thể khiến chúng biến mất ngay từ khi chưa thực sự được nhân loại biết đến.
Cuộc thám hiểm sử dụng một loại phương tiện công nghệ cao đã tiết lộ tới 5.580 loài động vật xuất hiện ở vùng CCZ.
Nhưng điều gây sốc là trong số chúng chỉ mới có 438 loài được đặt tên. Hơn 5.000 loài còn lại là những sinh vật hoàn toàn chưa được biết đến trên thế giới, theo nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Current Biology, dẫn đầu bởi nhà sinh thái học biển sâu Muriel Rabone từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London (Anh).
Nhóm nghiên cứu ước tính thực tế có thể có tới 6.000-8.000 loài lẩn khuất ở CCZ, trong đó 88% đến 92% là loài mới.
Đa dạng sinh học trong CCZ cũng rất cao. Các loài được tìm thấy thuộc về 27 ngành động vật khác nhau, chia thành 49 lớp, 163 bộ, 501 họ và 1.119 chi, trong đó phong phú nhất là ngành động vật chân đốt (27%).
Chúng gồm nhiều loài và họ hàng của các loài như nhện biển, hàu, giun, sứa, san hô, bọt biển, hải sâm... "Quái vật bất tử" tardigrade (bọ gấu nước)- sinh vật được cho là đang xâm chiếm Mặt Trăng sau khi rơi ra từ tàu vũ trụ của Israel - cũng xuất hiện.
Toàn bộ CCZ hiện nay không thuộc quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào và đang được quản lý bởi Cơ quan Quản lý đáy biển quốc tế (ISA) của Liên Hiệp Quốc.
Theo Anh Thư/ NLĐ