Người dân tộc Miêu, ở Tây Nam Trung Quốc nổi tiếng hàng thế kỷ nay bởi khả năng leo trèo trên những vách núi thẳng đứng bằng tay không, mà không cần bất cứ sự hỗ trợ nào. Từ xa xưa, người Miêu khi sinh ra đều rèn luyện kỹ năng kì lạ này như một phần của cuộc sống của họ.
Theo tập tục nơi đây, mỗi khi cử hành nghi thức mai táng, họ phải nâng quan tài người thân qua những vách đá rồi đặt vào những hang động nhỏ nằm rải rác trên vách núi, hoặc chí ít là treo những chiếc quan tài trên những vách đá. Nghi thức này gần giống với bộ lạc Tana Toraja ở Indonesia.
|
Luo Dengping có thể leo lên những vách đá 100m, dựng đứng mà không cần bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào. Ảnh: BBC |
Càng về sau, tập tục này dần bị xóa bỏ nhưng những người đàn ông Miêu vẫn tiếp tục leo lên những vách đá thẳng đứng ở huyện Tử Vân, tỉnh Quý Châu để hái những cây thuốc quý hiếm nhằm chữa bệnh hen suyễn và thấp khớp.
Nhưng dần dà, y học Trung Quốc dần bị y học phương Tây thay thế và nghề hái thuốc cũng dần mất đi. Ngày nay, số người Miêu có thể thực hành kỹ năng leo núi giờ chỉ còn rất ít, và trong đó có Luo Dengping.
Theo truyền thống, chỉ có những người đàn ông Miêu mới được coi là người dũng cảm và có đủ sức mạnh để làm những công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng như leo núi. Nhưng riêng Luo Dengping thì khác, cô là con của một “người nhện” nhà nghề, nhưng không có anh chị em nào trong gia đình nối nghiệp cha.
Vì niềm đam mê cùng cá tính mạnh mẽ, Luo phá vỡ những quy tắc xã hội hiện thời và bắt đầu theo cha học leo núi. Khi mới 15 tuổi, nữ người nhện đã chinh phục được những ngọn núi Getu gần làng.
Luo Dengping kể rằng, cô ban đầu cảm thấy rất sợ hãi và khó có thể di chuyển trên những vách đá chênh vênh thẳng đứng như vậy, nhưng dần dà cô hoàn thiện kỹ năng và bây giờ leo núi đã trở thành một phần cuộc sống của cô.
Khi lớn lên, Luo Dengping rời khỏi làng và làm công nhân cho một công trường xây dựng ở Quảng Châu. Tuy nhiên, đến năm 2000, cô trở về quê hương và lập gia đình với một người cùng làng và giờ đã có con.
Hàng ngày, chồng cô phải kiếm sống bằng nghề lái xe chở hàng, riêng cô chỉ ở nhà chăm con. Về sau, do kinh tế gia đình quá khó khăn, Luo tiếp tục leo núi hái thuốc để bán cho một số tiệm thuốc trong vùng hòng kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Vào năm 2015, khi chính quyền địa phương ra quyết định thúc đẩy ngành du lịch ở huyện Tử Vân, thì việc leo núi bỗng trở thành một trò mua vui, phục vụ du khách. Là một trong những “người nhện” còn sót lại, Luo Dengping nhanh chóng được thuê leo núi, biểu diễn cho khách tham quan.
|
Vì kế sinh nhai, bà mẹ 37 tuổi này phải mạo hiểm tính mạng hàng ngày để kiếm sống. Ảnh: China.com
|
Hàng ngày, cô phải thể hiện kỹ năng điêu luyện và lòng can đảm của mình trước du khách 2 lần. Cô làm việc từ 8 giờ sáng đến khi trời tối với mức lương 3.000 nhân dân tệ một tháng (tương đương 10 triệu VNĐ).
Dẫu biết rằng mức lương này không quá lớn để cô mạo hiểm mạng sống mình mỗi ngày, nhưng ngoài việc leo núi ra, bà mẹ 37 tuổi này cũng không biết phải làm gì để nuôi sống gia đình mình.
"Công việc này thực ra không tệ lắm, nó gần nhà, nên tôi có thể đi bộ về nhà mỗi ngày, cũng như dễ dàng chăm sóc con mình. Họ cũng cho tôi ăn trưa và tôi cũng có đủ tiền cho con tôi đi học” - Luo nói với tờ Nhật báo Thượng Hải
Khi được hỏi cảm nhận của cô khi là người phụ nữ duy nhất có thể làm công việc mạo hiểm mà trước đây chỉ có đàn ông đảm nhận, cô cho biết : “Tôi nghĩ đàn ông và phụ nữ đều bình đẳng, nếu nam giới có thể làm được, tôi cũng có thể làm được"
Theo Tú Quyên/Pháp Luật TPHCM