Phát hiện báu vật có thể “viết lại” lịch sử Trung Quốc

Google News

Những cổ vật mới được khai quật ở Tây Nam Trung Quốc cho thấy một khu vực từng có nền văn minh cổ đại, một sự tồn tại có thể khiến người ta viết lại lịch sử Trung Quốc.

Phat hien bau vat co the “viet lai” lich su Trung Quoc

Những báu vật được khai quật tại khu di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi, Quảng Nguyên, Tứ Xuyên thuộc về một nền văn minh phát triển có thể đã tồn tại suốt hàng nghìn năm, nhưng chưa từng được ghi chép trong sử sách; theo các nhà nghiên cứu và giới chức chính phủ Trung Quốc.

Một cuộc khai quật lớn bắt đầu từ năm 2019 đã giúp các nhà khảo cổ thu được hơn 500 cổ vật được làm bằng vàng, đồng, ngọc và ngà voi có niên đại hơn 3.000 năm, trong đó bao gồm một chiếc mặt nạ bằng vàng có khả năng từng được một tu sĩ sử dụng.

Chất lượng và độ tinh xảo của những cổ vật này vượt xa những cổ vật được chế tác ở các khu vực khác của Trung Quốc ở cùng thời kỳ, như thời nhà Thương quanh đồng bằng sông Hoàng Hà, được gọi là Trung Nguyên.

Shi Jinsong – Phó Giám đốc Viện Khảo cổ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc – nói rằng nền văn minh Trung Quốc thường được cho là bắt nguồn từ Trung Nguyên.

Trung Nguyên từng được được tin là trung tâm của thế giới với nền văn minh tiên tiến nhất, và “những người sống ở bên ngoài bị cho là kẻ man di”, ông Shi nói. Nhưng phát hiện mới ở Tam Tinh Đôi đã chỉ ra rằng câu chuyện về nền văn minh Trung Quốc có thể phức tạp hơn người ta nghĩ trước đây.

Phat hien bau vat co the “viet lai” lich su Trung Quoc-Hinh-2

Dụng cụ bằng đồng được khai quật tại Tam Tinh Đôi (Ảnh: Xinhua)

“Rất có khả năng chúng ta là sự kết hợp” của nhiều nền văn hóa hoặc văn minh cổ đại khác nhau, ông Shi nói.

Zhao Congcang, nhà khảo cổ học thuộc ĐH Tây Bắc, Tây An, nói rằng ông cảm thấy choáng ngợp khi nhìn vào những cổ vật mới được khai quật.

Một số các tác phẩm nghệ thuật nhìn rất giống những đồ vật được phát hiện ở các khu di chỉ dọc sông Dương Tử và ở Đông Nam Á, cho thấy một nền văn minh chưa từng được biết đến nhưng lại không tồn tại biệt lập mà “có trao đổi rộng với nhiều khu vực khác”, ông nói.

Tam Tinh Đôi được phát hiện từ những năm 1930, và hiện vẫn là một trong số những bí ẩn đối với giới khảo cổ Trung Quốc.

Một trong số những đồ vật bằng đồng lớn nhất và cổ xưa nhất được tìm thấy ở di chỉ này, trong đó bao gồm một “Cây Sự Sống” có chiều cao tới 4 m.

Do các cổ vật này không có mối quan hệ rõ ràng với nền văn hóa Trung Quốc sau này và không ai có thể giải mã những biểu tượng trên chúng, nên đã có rất nhiều cuộc tranh luận sôi nổi về mục đích sử dụng của những cổ vật.

Một số chuyên gia tin rằng chúng được chế tác để làm đồ mai táng, trong khi số khác cho rằng chúng mang ý nghĩa về tôn giáo.

Những phát hiện mới nhất thì cho thấy những cổ vật này rất có khả năng được sử dụng cho mục đích tôn giáo hoặc các buổi lễ ma thuật.

Ví dụ, chiếc mặt nạ vàng có thể đã được một tu sĩ sử dụng và sau được chôn cùng các đồ vật quý báu khác sau một nghi thức.

Số lượng lớn các cổ vật được khai quật cũng chỉ ra rằng nền văn minh chưa từng được biết đến này có nền kinh tế thịnh vượng và công nghệ tiên tiến.

Tứ Xuyên là một vùng đất màu mỡ nằm tách biệt với phần còn lại của Trung Quốc bởi những dãy núi cao. Nó được chinh phục sau khi nhà Tần cử 600.000 quân tới vào năm 316 trước CN. Khu vực này trở thành vùng sản xuất lương thực quan trọng giúp Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa vài thập kỷ sau đó.

Kể từ đó, Tứ Xuyên chính thức là một phần của nền văn minh Trung Quốc, nhưng lịch sử trước đó của nó thì vẫn là một huyền thoại do thiếu ghi chép sử sách.

Quan điểm cho rằng nền văn minh Trung Hoa bắt nguồn dọc sông Hoàng Hà đã bị thách thức trong những năm gần đây, khi một số phát hiện cho thấy những người trồng lúa nước đến từ khu vực sông Dương Tử đã đi vào khu vực này trước khi sử sách được ghi chép.

Những người miền Nam nhập cư này được tin là có công nghệ sản xuất lương thực tốt hơn, và dân số phát triển nhanh hơn.

Phat hien bau vat co the “viet lai” lich su Trung Quoc-Hinh-3

Một nhà khảo cổ đang làm việc tại khu di chỉ Tam Tinh Đôi (Ảnh: Xinhua)

Một nghiên cứu được thực hiện bởi ĐH Fudan còn cho rằng phần lớn người dân ở Trung Quốc là hậu duệ của một bộ lạc nhỏ đến từ châu Phi, di chuyển qua Đông Nam Á cách đây 60.000 năm.

Song Xinchao – Phó Giám đốc Cơ quan Di sản Văn hóa Quốc gia Trung Quốc – nói rằng phát hiện mới tại Tam Tinh Đồ là một phần trong chương trình quốc gia, được chính phủ thực hiện, nhằm giải quyết một số “vấn đề lớn” trong lịch sử Trung Quốc. Mục đích của chương trình này là hiểu rõ hơn sự hình thành của nền văn hóa Trung Quốc bằng cách “liên kết những mắt xích bị mất giữa các vùng khác nhau”.

Theo Viettimes