Các tảng đá nhựa có màu xanh lục kỳ quái được hình thành khi các vật liệu như kim loại nặng, dung môi hữu cơ và mảnh vụn vi nhựa được hợp nhất hoặc bám vào bề mặt của đá trầm tích. Chúng được phát hiện tại 5 châu lục và 11 quốc gia, bao gồm Vương quốc Anh, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Banglades và Peru.
Đá nhựa được tìm thấy ở những hòn đảo xa xôi khiến các nhà nghiên cứu lo lắng vì sự bắt đầu của Anthropocene - một kỷ nguyên địa chất mới bị chi phối bởi các tác động của con người, làm thay đổi đáng kể bề mặt, bầu khí quyển, đại dương và hệ thống tuần hoàn dinh dưỡng của trái đất, và những tác động của chúng sẽ tồn tại lâu hơn sự tồn tại của con người trên hành tinh.
Không những thế những tảng đá nhựa còn là dấu hiệu báo động cho tình trạng ô nhiễm toàn cầu. Tờ Newsweek gọi những tảng đá này là sự có hại “bền vững” của đại dương và sức khỏe con người.
|
Những tảng đá nhựa được phát hiện tại 5 châu lục và 11 quốc gia. |
Nguyên nhân đằng sau sự hình thành đá nhựa là do tình trạng ô nhiễm nhựa mà con người đang đổ ra môi trường. Theo nghiên cứu, con người xả ra khoảng 22-48 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm. Năm 2022, lần đầu tiên phát hiện vi hạt nhựa trong máu người, với kết quả của một nghiên cứu chỉ ra rằng việc con người tiếp xúc với các hạt nhựa dẫn đến việc hấp thụ các hạt này vào máu, di chuyển đến các cơ quan. Trong một nghiên cứu cũng chỉ ra trẻ bú bình có thể nuốt phải hơn 1 triệu mảnh vi nhựa mỗi ngày.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) cũng phát hiện, đá nhựa có thể làm thay đổi cộng đồng vi sinh vật trong môi trường xung quanh và có thể tạo ra một lượng đáng kể vi nhựa và nhựa nano. Loại đá trầm tích mới này cho thấy bằng chứng thuyết phục về cách các hành động của con người có thể hoạt động như một quá trình địa chất ngoại sinh mạnh mẽ, định hình lại hồ sơ địa chất của hành tinh.
Mỗi năm có hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất và 50% trong số đó là nhựa dùng một lần. Tuy nhiên chỉ gần 10% đồ nhựa dùng một lần được tái chế, làm tắc nghẽn các bãi chôn lấp và ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Tại Việt Nam, mỗi năm, một người sử dụng hơn 30 tỷ túi nilon, trung bình mỗi ngày một gia đình dùng 4 túi. Còn theo thống kê từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, năm 1990, mỗi người Việt Nam chỉ tiêu thụ 3,8kg nhựa mỗi năm, nhưng 25 năm sau, con số này đã là 41kg.
Việt Nam hiện đang đứng thứ 17 trong 109 quốc gia về lượng phát thải nhựa phát sinh hàng năm, là một trong 4 quốc gia thải ra nhiều túi nilon nhất Châu Á, và còn là một trong 5 nước gây ô nhiễm hàng đầu cho các đại dương trên thế giới.
Theo Nhật Hạ/Kinh tế Môi trường